TP.HCM chấn chỉnh tình trạng mua, bán test nhanh tại nhà thuốc

Chí Tâm| 30/07/2021 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các nhà thuốc chỉ được bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 như test nhanh phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, có nhiều ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày khiến người dân rất lo lắng. Do vậy, nhiều người dân tự tìm đến các nhà thuốc mua các test nhanh để tự thực hiện xét nghiệm. 

Nhằm đảm bảo việc sử dụng các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán, xét nghiệm Covid-19 đúng mục đích và có kết quả chính xác, ngày 30/7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Phòng Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc chấn chỉnh mua bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán, xét nghiệm Covid-19 (trong đó có test nhanh) tại các nhà thuốc.

tes(1).png
Một trong số những dụng cụ test nhanh đang bán trên mạng . Ảnh: HVV

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm Covid-19 (ví dụ các test nhanh) phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế.

Nhà thuốc chỉ được mua các loại sinh phẩm trang thiết bị y tế, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định).

Dược sĩ phụ trách chuyên môn nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người mua sử dụng đúng mục đích theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đồng thời, hướng dẫn người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp chuyên môn kịp thời khi có kết quả nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2.

Sở Y tế cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra về việc thực hiện của nhà thuốc trong mua bán các loại sinh phẩm trang thiết bị chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2, test nhanh.

Trước đó, đại diện Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh rao bán tràn lan trên mạng. Theo Sở Y tế, test nhanh được quy định là trang thiết bị y tế, vì vậy phải được Bộ Y tế cấp phép và công bố trong danh mục được phép sử dụng. Những sản phẩm trên mạng xã hội thường không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục Bộ Y tế cho phép nên việc bán tràn lan là sai quy định. Đồng thời, độ chính xác của những thiết bị này chỉ khoảng 25%, vì vậy nếu cho kết quả âm tính giả sẽ khiến người dân chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM chấn chỉnh tình trạng mua, bán test nhanh tại nhà thuốc