Tột đỉnh bao dung

Tiến Tường| 09/02/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở mỗi phiên tòa hình sự, không chỉ có không khí trầm uất, những số phận đau đớn trái ngang. Đâu đó, lẫn khuất lòng bao dung, tình người mãnh liệt như những bông nở hoa từ đất đắng.

1. Thằng “phạm” đứng trước vành móng ngựa, ngó ra sau liên tục, tòa phải nhắc nhiều lần. Sau lưng là mẹ vợ hắn. Mẹ của người hắn chính tay tước đoạt mạng sống. Hắn là T. (29 tuổi), có vợ là chị G. cùng quê Long An. Nghi vợ ngoại tình, giữa đêm, T. lấy sợi dây điện xiết cổ vợ mình cho đến chết rồi tự tử nhưng bất thành.

Tòa sơ thẩm tuyên tử hình. T. không kháng cáo. Nhưng người mẹ vợ gầy còm một mình lặn lội xin giảm tội cho con rể. Tất cả những gì tốt đẹp của cuộc đời đều đã trôi theo người con gái duy nhất. Hàng xóm láng giềng khuyên bà cứ để T. chết. Họ theo bà tới từng phiên tòa để xem T. đền tội. Nhưng người mẹ quê lầm lũi đứng trước tòa, nức nở: “Con tui chết rồi không thể sống lại. Nếu xử con rể tui tội chết cũng không thể cứu sống được vợ nó, vậy nên tui mới lặn lội gần trăm cây số lên đây xin tòa tha tội chết cho nó”.

“Thằng phạm” đổ khuỵu xuống sau án chung thân của tòa phúc thẩm. Không phải vì hắn thoát chết. Mà có lẽ, hắn không thể hình dung được sự bao dung cao cả trong thân xác tiều tụy kia. Hắn phủ phục trước mặt bà nức nở: “Mẹ ơi, con có tội. Mẹ tha tội cho con…” - “Ừ, mẹ tha thứ hết con à! Con gắng cải tạo tốt, mẹ sẽ vào thăm”. Bà vẫn gọi hắn là “con”, vẫn khóc tiễn hắn ra xe bít bùng trong nắng chiều hiu hắt…

2. “Ăn đi chú”. Người mẹ trẻ dúi vào tay H. ổ bánh mì cùng chai nước suối. Phiên tòa nóng hầm hập. Xung quanh toàn người xa lạ. Vợ con, gia đình H. xấu hổ không đến dự. Chỉ một người quen H., đó là chị. H. ra vành móng ngựa vì xâm hại con chị bất thành. Trái ngang, cay đắng. H. khóc rưng rức, không cắn nổi chiếc bánh mì.

H.với chị là đồng hương, quê tận ngoài Bắc, vô xóm trọ tồi tàn ở Củ Chi mần thuê mần mướn cả. Con chị H. 6 tuổi. Anh chị đi mần mướn cả ngày, cháu ở với bà ngoại. Những lần thấy bé gái chơi một mình, H. nổi tà tâm. H. liều mạng bế thốc đứa bé vào phòng trọ toan giở trò đồi bại. Hàng xóm chạy đến, kịp cứu cuộc đời bé gái nhỏ vẹn nguyên.

H. vào tù, để vợ con lay lắt. Chị chính là người lui tới động viên, giúp đỡ. Hôm ấy, H. cô đơn cùng tận giữa tòa, chị chăm sóc vỗ về như người thân. H. không khóc khi nhận bản án 14 năm của tòa. Nhưng gặp chị ở hành lang H. bíu lấy chân chị nức nở. “Chú gắng cải tạo tốt, vợ con đang chờ ở nhà. Đừng nghĩ quẩn nghe không”! Người phụ nữ trẻ tiễn H. ra tận xe bít bùng. Sau lưng chị, hàng trăm cặp mắt ngơ ngác nhìn theo, lắc đầu thán phục.

Tột đỉnh bao dung


3. Chị P. là cô giáo, có một tiệm Internet ở Tiền Giang. Tr. theo dõi nhiều ngày. Nửa đêm, Tr. lẻn vào với khúc củi đánh chị vỡ đầu nằm xuống nền nhà rồi lấy trộm tư trang. Sau nhiều lần chuyển viện vì vết thương quá nặng, chị thoát chết nhưng phải mang thương tật 32% vĩnh viễn.

Chị vật vã với những cơn đau thể xác. Suốt một năm, không đêm nào ngủ được vì vết thương cứ hành hạ nhức buốt khiến chị suy kiệt trầm trọng. Tiệm net cũng bán tháo lấy tiền trị bệnh. Công việc ở trường cũng bị gián đoạn mất một năm. Nỗi căm thù kẻ thủ ác chất chứa trong lòng chị. Đến mức, mỗi lần T. khai lại với tòa hành vi phạm tội, chị run lên bần bật vì căm phẫn. Tất cả mong muốn của chị là cái án thật nặng cho kẻ toan đoạt mạng của mình.

Thế nhưng, án chung thân của tòa sơ thẩm khiến chị buồn day dứt. Tất cả sự căm thù phẫn nộ đã chuyển thành một lòng bao dung vô bờ bến. “Thưa quý tòa! Bị cáo đã gây tổn thất quá lớn cho cuộc đời tôi, tôi rất căm giận. Nhưng thật lòng, mức án chung thân cứ làm tôi day dứt mãi. Từng trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc đời, tôi hiểu gia đình T. đau đớn thế nào khi có một đứa con lầm lạc. Thôi thì làm được điều gì cho người ta thì cứ làm mà lòng mình cũng thấy nhẹ nhõm hơn. T. còn trẻ, mong tòa giảm nhẹ hình phạt, cho cậu ấy một cơ hội làm lại cuộc đời”.

Cả phòng xử án lặng đi, vọng lại tiếng nấc của kẻ lầm lạc. HĐXX quyết định giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. T. tra tay vào còng, rưng rưng ngó quanh tìm chị như tìm sự cứu rỗi cho mình…

4. Người làm báo, đi qua nhiều phiên tòa, nhiều thân phận. Không mấy vui với những bản án, dù biết rằng kẻ thủ ác xứng đáng phải nhận. Hạnh phúc nào bằng đằng sau những phiên xử nặng nề, u uất còn có những bông hoa bao dung mãnh liệt. Những bông hoa đẹp đẽ đơm từ nước mắt, đánh thức lương tri, mầm thiện và lòng thương yêu cuộc sống này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tột đỉnh bao dung