Tổng thống Obama "nhắc khéo" tỷ phú Trump là "kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu"

Nhật Minh| 21/09/2016 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bài phát biểu cuối cùng trước Đại hội đồng LHQ trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đã “nhắc khéo” đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump...

Ngày 20/9, tại trụ sở Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Barack Obama đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, trong đó tập trung nói về những điểm nóng hiện nay trên thế giới cũng như nêu bật xu thế tất yếu của toàn cầu hóa.

Biển Đông - Crimea - Syria - Chảo lửa Trung Đông

Trong năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã có nhiều hoạt động tích cực thể hiện nỗ lực tìm ra giải pháp nhằm hóa giải các điểm nóng vốn tồn tại từ lâu.

Điểm nóng đầu tiên được ông Obama đưa ra trong bài phát biểu là vấn đề tranh chấp Biển Đông. Ông tái khẳng định cần phải có một giải pháp hòa bình ở khu vực.

Ngầm ám chỉ những trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, Tổng thống Obama nhấn mạnh, một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp “dưới sự bảo trợ của luật pháp” sẽ đem lại sự ổn định lớn hơn là việc “quân sự hóa các bãi đá và các rạn san hô”.

Tổng thống Obama

Ngày 20/9, tại trụ sở Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Barack Obama đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ

Trong vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine, quan hệ Moscow và Kiev, nhà lãnh đạo Mỹ bảo lưu quan điểm của Nhà Trắng trước những diễn biến gần đây ở bán đảo Crimea kể từ khi sáp nhập vào Liên bang Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vốn không được Washington và phương Tây thừa nhận là hợp lệ.

Về cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria, Tổng thống Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột đã kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Cũng liên quan đến xung đột ở Syria, ông Obama nhắc tới hệ lụy nghiêm trọng có thể nhìn thấy rõ ràng nhất hiện nay chính là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ, cũng như kêu gọi các quốc gia có tiềm lực kinh tế “mở rộng trái tim” để tiếp nhận họ.

Bài phát biểu của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ đã không quên đề cập sự xung đột giữa Israel và Palestine - mâu thuẫn chính làm cho chảo lửa Trung Đông lúc nào cũng hừng hực. Đây cũng chính là một trong những vấn đề mà chính quyền Tổng thống Obama không ngừng nỗ lực suốt hai nhiệm kỳ qua nhằm đem lại một thỏa thuận hòa bình giữa hai quốc gia nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Theo ông, cả Israel và Palestine sẽ cùng có lợi nếu người Israel cam kết không chiếm đất của người Palestin; và đổi lại, Palestine phải ngừng kích động và “từ chối công nhận tính hợp pháp” của nhà nước Israel.

Chống lại xu thế toàn cầu hóa gây hệ lụy nghiêm trọng

Cùng với việc hệ thống lại những điểm nóng đang đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ, ông Obama đã lên án những cá nhân và quốc gia đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa.

Tổng thống Obama tỏ ra khá thận trọng khi nhận định về những tác động do toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế gây ra như làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm cho những vấn đề liên quan đến trật tự thế giới trở nên trầm trọng hơn… Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc chống lại xu thế phát triển chung của thế giới sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Chỉ trích kế hoạch xây dựng bức tường chạy dọc theo biên giới Mỹ-Mexico của tỷ phú Mỹ Donald Trump là viển vông, ông Obama nói: “Ngày nay, một quốc gia tự xây tường bao quanh mình sẽ là một quốc gia tự cầm tù bản thân”, ông khẳng định.

Theo đương kim Tổng thống Mỹ, việc xây dựng tường rào bao quanh đất nước sẽ không thể ngăn được tác động của toàn cầu hóa. Điển hình đó là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố trên quy mô toàn cầu, hay sự lan tràn của virus Zika trong thời gian qua. “Lũ muỗi chẳng đếm xỉa đến những bức tường”, ông Obama hài hước nói.

Tổng thống Mỹ cho rằng, “không thể đơn giản nói không với toàn cầu hóa” bởi tất cả cần phải “tiến lên phía trước chứ không phải lùi lại phía sau”. Ông khẳng định, việc hợp tác sẽ giúp cho lợi ích của toàn cầu hóa được chia sẻ đến các quốc gia, đồng thời có thể giải quyết được những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa…  Song “con đường tiến tới hội nhập toàn cầu đòi hỏi phải có một sự thay đổi thích hợp”, Tổng thống Obama lưu ý.  

Cũng trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng đã nhắc tới vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa qua của Triều Tiên như một hành động nhằm cố gắng chống lại tác động của toàn cầu hóa thay vì tham gia nền kinh tế thị trường tự do với tư cách thành viên.

Ngoài ra, Tổng thống Obama còn “nhắc khéo” đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, mà theo cách gọi của ông đó là, cuộc chạy đua giữa một người ủng hộ dân chủ và một kẻ chạy theo mô hình "kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu” như một cách ngầm thể hiện sự ủng hộ của ông dành cho cựu Ngoại trưởng Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Obama "nhắc khéo" tỷ phú Trump là "kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu"