Việc ông Obama ban hành sắc lệnh trừng phạt Nga sau cáo buộc về "bàn tay Nga" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dường như nhằm "gây khó" cho người kế nhiệm trước khi ông rời nhiệm sở, theo National Interest.
Theo tác giả bài viết đăng trên National Interest, ông Obama dường như đang "gây khó" cho người kế nhiệm bằng việc ban hành sắc lệnh trừng phạt Nga
Theo một bài viết mới được đăng tải trên tạp chí National Interest, những hoạt động của ông Barack Obama trong những ngày cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ dường như “không mấy hướng đến bảo vệ lợi ích quốc gia”, mà thực ra nhằm “gây khó” cho người kế nhiệm.
Tác giả bài báo, ông Dimitri Simes - Giám đốc Trung tâm cố vấn National Interest ở Washington và nhà chính trị học Paul Saunders, đã trích dẫn việc ông Obama ban hành sắc lệnh trừng phạt các cá nhân và tổ chức Nga bị cho là liên là liên quan tới việc can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016; trong đó có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ quan ngoại giao nước này tại Mỹ.
Các tác giả nhận xét, Tổng thống Obama “không hề có cơ sở” để cho rằng “sự can thiệp” của Điện Kremlin trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - như cáo buộc - là “đáng kể”. Ông Obama cũng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về tác động của cái gọi là tin tặc Nga đã tấn công mạng máy tính đảng Dân chủ và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Và do đó, theo tác giả bài viết, không cần phải vội vàng đưa ra lệnh trừng phạt mà cần chờ kết thúc điều tra, đồng thời trao lại cho ông Trump quyền “ứng xử” với vấn đề này.
Bên cạnh đó, hai tác giả nêu giả thiết nếu thực sự có sự can thiệp của Nga và sự can thiệp này tác động nghiêm trọng đến kết quả bầu cử, thì biện pháp mà Tổng thống Obama đưa ra vẫn “không thể coi là hợp lý”. Việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga khỏi nước Mỹ cũng như việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt chống các quan chức an ninh và tính báo Nga khó có thể gây tổn hại nặng nề hoặc tác động mạnh đến Moscow. Như vậy, sắc lệnh trừng phạt của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm thực tế lại giống như một “hành động tượng trưng” hơn, hai tác giả nhận xét.
Hơn nữa, “hành động mạnh” của ông Obama có thể làm cho quan hệ hai nước xấu đi, và trong trường hợp này Mỹ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, bởi chính những mâu thuẫn và căng thẳng chính trị giữa sẽ ngăn cản sự hợp tác giữa hai quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Do đó, tác giả bài báo kết luận, hành động của ông Obama thực chất lại có thể “gây nguy hiểm” cho cuộc sống của chính công dân Mỹ chứ không mang lại bất kỳ lợi ích chính trị nào cho đất nước.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên Sputnik hồi tháng 12/2016, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov đã đưa ra đánh giá không mấy tích cực về việc Tổng thống đương nhiệm Barack Obama ban hành lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo ông Dzhabarov, Tổng thống Obama đã “nghĩ ra đủ lý do” để “sập mạnh cửa” trước khi rời nhiệm sở. Thậm chí, theo thượng nghị sĩ Nga, ông Obama chưa kết thúc mà “bắt đầu” nhiệm kỳ Tổng thống của mình và đang làm mọi thứ để đóng băng tối đa và làm cho quan hệ Washington – Moscow ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Và ông Dzhabarov cho rằng, việc thiết lập quan hệ giữa hai nước chỉ có thể xảy ra khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền sau lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1 tới.
Thế nhưng, dù khá nhiều ý kiến chỉ trích hành động của ông Obama đối với Nga trước khi rời nhiệm sở thì trong cuộc điều tra dư luận gần đây của Viện Gallup, ông Obama được chọn là Người đàn ông đáng ngưỡng mộ nhất xứ cờ hoa năm 2016.