Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố như vậy trong phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội - một sự kiện quan trọng đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông lên nắm quyền.
Sáng 29/4 giờ Việt Nam (tối 28/4 giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Đây được xem là sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh ông phải đương đầu với những vấn đề cấp thiết, trong đó có đại dịch COVID-19 và những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Sự kiện đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt
Trong bối cảnh như vậy, sự kiện hạn chế số người tham dự. Trong tổng số 535 thành viên Quốc hội chỉ có 200 nghị sĩ nhận được vé mời tham dự và họ cũng không được phép mời các quan khách khác đến.
Thêm vào đó, có một yêu cầu đối với tất cả những người tham dự sự kiện này là bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thậm chí Nhà Trắng còn cho biết Tổng thống Biden đeo khẩu trang khi thực hiện nghi thức truyền thống đi dọc lối đi trung tâm lên bục phát biểu. Tuy nhiên, khi phát biểu, ông sẽ cởi khẩu trang.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có 2 người phụ nữ xuất hiện phía sau khi Tổng thống Mỹ phát biểu trước Quốc hội. Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, ngồi tại vị trí quen thuộc đằng sau bục phát biểu. Ngồi cạnh bà là Phó Tổng thống Kamala Harris với vai trò là Chủ tịch Thượng viện.
Đây là thông điệp truyền thống “Về tình hình đất nước” mà các nguyên thủ Mỹ gửi tới Quốc hội vào đầu năm. Tuy nhiên năm nay ông Biden quyết định đọc thông điệp này trùng vào dịp 100 ngày cầm quyền trên cương vị nguyên thủ quốc gia của mình.
Tuy nhiên, bài phát biểu này không phải là thông điệp liên bang mà các Tổng thống Mỹ đọc hằng năm theo Hiến pháp. Bởi theo truyền thống, một Tổng thống Mỹ sẽ đọc thông điệp liên bang đầu tiên sau 1 năm tại nhiệm. Thay vào đó, Tổng thống mới nhậm chức như ông Biden sẽ có phát biểu đầu tiên tại phiên họp chung của Quốc hội.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, đây vẫn được xem là cơ hội để ông Biden cho thấy sự cởi mở đối với việc sẵn sàng thỏa hiệp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối với các chính sách, đàm phán tích cực và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập pháp đối với các dự luật cải cách tại Quốc hội.
Xoay chuyển tình thế trong vòng 100 ngày
Mở đầu bài phát biểu, theo CNN, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông đã kế thừa một quốc gia đang gặp khủng hoảng, đó là “đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái”. Thế nhưng, ông Biden khẳng định, trong vòng chưa đầy 100 ngày, chính quyền của ông đã bắt đầu xoay chuyển tình thế.
“Bây giờ, chỉ sau 100 ngày, tôi có thể báo cáo với quốc gia, nước Mỹ đang trên đà phát triển trở lại. Biến nguy cơ thành khả năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất bại thành sức mạnh”, Tổng thống Biden phát biểu.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Biden đề cập việc chính quyền ông ứng phó với COVID-19, trong đó có việc tiêm hơn 200 triệu mũi vaccine kể từ khi ông nhậm chức.
Có thể nói, cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 là một phần trọng tâm trong 100 ngày đầu tiên của ông Biden khi bước chân vào Nhà Trắng. Gói cứu trợ kinh tế COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỉ USD được thông qua vào tháng 3 và qua là ưu tiên lập pháp chủ chốt và cấp bách nhất của ông Biden kể từ khi nhậm chức. Và Tổng thống Biden đã gọi kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỉ USD là "một gói giải cứu hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Đạo luật đã cung cấp 14 tỉ USD cho việc nghiên cứu, phát triển, phân phối, quản lý và củng cố niềm tin vào vaccine. Đạo luật cũng đầu tư 47,8 tỉ USD cho việc xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, đầu tư vào năng lực phòng thí nghiệm, các điểm xét nghiệm cộng đồng và các đơn vị xét nghiệm di động.
Ông Biden cũng cho biết chính quyền Mỹ đang thiết lập các điểm tiêm chủng cộng đồng, phát triển các đơn vị di động để tiếp cận với những người nghèo nhất, đồng thời kêu gọi người Mỹ tiêm phòng.
"Tất cả mọi người trên 16 tuổi, tất cả mọi người có đủ điều kiện, hãy tiêm phòng ngay bây giờ, ngay lập tức", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Tái khẳng định lập trường trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Nga
Cũng trong phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời hứa hẹn thúc đẩy phát triển công nghệ và thương mại. Đây là điểm đáng lưu ý trong chính sách đối ngoại của Washington đối với Bắc Kinh mà chính quyền ông Biden sẽ theo đuổi.
Ông Biden khẳng định “Mỹ sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng ảnh hưởng đến người lao động Mỹ và các ngành công nghiệp Mỹ, như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và hành vi trộm cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ”.
Tổng thống Biden cho biết đã thúc giục các nhà lập pháp thông qua một gói pháp luật lưỡng đảng sâu rộng hiện đang trình lên Thượng viện để giải quyết sự mất cân bằng thương mại và tăng cường tài trợ cho Mỹ phát triển công nghệ mới nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần xác định cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Ông và các thành viên Dân chủ cũng như các thành viên Cộng hòa đối lập đều hướng tới một đường lối cứng rắn hơn trong việc đối phó với Bắc Kinh.
Cũng trong phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ không muốn leo thang căng thẳng với Nga, nhưng cảnh báo “hành động của Moscow sẽ dẫn đến hậu quả”; đồng thời khẳng định các nước có thể hợp tác với nhau khi điều đó phù hợp với lợi ích của họ.
Lý giải về câu nói này, ông Biden cho biết đã nói rõ với Tổng thống Vladimir Putin rằng, sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, cũng như các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ sẽ gây ra hậu quả. Tuy nhiên, trước đó, Nga đã bác bỏ những cáo buộc này.
Một điểm đáng chú ý trong phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy một hướng đi khác trong chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump, đó là việc ông cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để chống lại các mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Ngày 30/4 tới sẽ đánh dấu 100 ngày đầu tiên Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Trong quãng thời gian này, ông Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo, thể hiện tham vọng lớn nhằm hồi sinh nước Mỹ. Theo kết quả của 3 cuộc thăm dò dư luận gần đây, đa số người dân Mỹ ủng hộ hiệu quả điều hành của Tổng thống Joe Biden trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm.
Xét về tổng thể, các kết quả thăm dò chỉ ra rằng tỷ lệ người Mỹ trưởng thành hài lòng với hiệu quả điều hành của ông Biden dao động 52-58%, trong khi đó, tỷ lệ ý kiến không hài lòng là từ 39-42%.
Kết quả thăm dò của hãng tin CBS News cho thấy ông Biden nhận được 58% sự tán thành của công chúng và 42% không tán thành.
Hãng tin NBC News đưa ra kết quả thăm dò với tỷ lệ tán thành và không tán thành đối với hiệu quả điều hành của ông Biden tương ứng là 53% và 39%.
Trong khi đó, kết quả thăm dò do hãng tin ABC News và tờ Washington Post cùng thực hiện chỉ rằng ông Biden nhận được 52% số người tán thành và 42% không tán thành.
Trong các lĩnh vực điều hành, ông Biden nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trong cách thức đối phó với đại dịch COVID-19, với 64-69% ý kiến hài lòng.