Sau gần 5 năm kể từ ngày giành được chính quyền, chúng ta đã bãi bỏ bộ máy tư pháp của chế độ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập những Tòa án mới, trong đó có Tòa án Quân sự và Tòa án binh.
Tuy nhiên, các Tòa án thường còn mang nặng những ảnh hưởng của nền tư pháp cũ. Thực hiện một cách máy móc “Tòa án tư pháp sẽ độc lập với các Cơ quan hành chính” (Điều 42 Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946). “Vậy các Tòa án trong thời kỳ kháng chiến vấn độc lập với Ủy ban hành chính. Ủy ban này không có quyền kiểm soát, điều khiển các Tòa án. Các Thẩm phán không phải báo cáo với Ủy ban hành chính”. (Thông tư số 693 ngày 25/9/1947 của Bộ Tư pháp).
Mặc dầu Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời các luật lệ cũ đã chỉ rõ ràng “những điều khoản trong luật lệ cũ được tạm giữ lại do Sắc lệnh này chỉ thi hành khi nào không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”. Và Thông tư số 34-NV-TP/CT ngày 7/1/1947 của liên Bộ Nội vụ- Tư pháp cũng đã chỉ rõ: “Các Thẩm phán phải làm việc với tinh thần chiến đấu, nêu cao gương hy sinh và xung phong cho dân chúng theo, nên hết sức gần dân, săn sóc đến dân, đi đến dân chứ không đợi dân đi đến mình”.
Nhưng nhiều Thẩm phán trong các Tòa án thường lúc đó đã không chú ý vận dụng các chính sách của Chính phủ vào công tác xét xử và đã hiểu “độc lập” là “biệt lập”, tức là Tòa án không chịu sự lãnh đạo của Đảng, không cần phải phối hợp với Ủy ban hành chính, cơ quan công an và đoàn thể nhân dân trong việc bảo vệ chế độ. Tình hình này đã là một trở ngại cho việc phát huy sức mạnh của Nhà nước, cho nên Đảng ta đã lần lượt tiến hành một cuộc đấu tranh về tư tưởng và sau đó là cải cách bộ máy của Tòa án.
Trước hết là Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950. Về tổ chức: Bộ máy tư pháp được dân chủ hoá các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân.
Thành phần nhân dân được đa số trong việc xét xử: Để xét xử việc hình và hộ, Tòa án nhân dân huyện và tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Tòa Phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết.
Thành lập hội đồng hoá giải tại mỗi huyện nhằm mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hoá giải tất cả các việc hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Tòa án tỉnh mới có thẩm quyền. Biên bản hòa giải thành có chấp hành lực. Đây là một điểm tiến bộ so với thế hệ cũ. Khi các đương sự đã thoả thuận trước hội đồng hoá giải thì việc hòa giải được đem thi hành ngay. Áo chùng đen của Thẩm phán và luật sư nay bỏ đi.
Về thẩm quyền: Tăng thẩm quyền cho ban tư pháp xã về việc phạt vi cảnh để làm cho một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã. Giao cho các Tòa án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân huyện để tránh cho đương sự khỏi phải tốn phí đi lên Tòa án tỉnh và những việc cấp bách có thể được giải quyết mau chóng hơn.
Về tố tụng: Thủ tục tố tụng được hợp lý và giản dị hơn. Trái với quan niệm cũ cho rằng việc hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân mà xã hội không cần can thiệp đến, thì nay công tố viên có quyền kháng cáo các án hộ nếu xét ra cần thiết.
Theo Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946, biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng dự thẩm để thẩm cứu một số việc hình dù rằng xét ra không cần thiết. Nay biện lý chỉ giao sang phòng dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi.
Trước đây mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu hủy dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Nay coi điều đó là quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa. Từ nay người bị thiệt hại về một vụ phạm pháp có thể xin kháng cáo không những để tăng tiền bồi thường mà còn để tăng hình phạt nữa. Việc chấp hành án nay giao cho Thẩm phán huyện phụ trách.
Tóm lại, việc cải cách rõ ràng có mục đích tăng thành phần nhân dân tham gia công tác tư pháp làm nhẹ bộ máy tư pháp để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn.
Cùng trong năm 1950, ngày 5/6, Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 103-SL quy định “Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp có nhiệm vụ lãnh đạo và điều khiển các ngành chuyên môn cấp tương đương trong đó có ngành Tư pháp bao gồm cả Công tố và Tòa án” (Điều 1) và Thông tư số 21-TTg ngày 7/6/1950 của Thủ tướng phủ giải thích việc thi hành Sắc lệnh trên như sau:
“...
IV- Những điểm đặc biệt đối với tư pháp Bộ Tư pháp sẽ có thông tư riêng quy định chi tiết quyền điều khiển của Ủy ban đối với ngành Tư pháp. Sau đây là những nguyên tắc chính:
1. Đối với Công tố viên, Ủy ban các cấp điều khiển Công tố viên trong địa bàn mình trước các Tòa án thường cũng như trước các Tòa án đặc biệt. Như thế nghĩa là Ủy ban kháng chiến hành chính có thể ra mệnh lệnh cho ngành công tố. Đại diện ngành này phải tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban, có thể là mệnh lệnh chung về đường lối công tố trong một thời gian nhất định, cũng có thể là mệnh lệnh riêng về từng việc (trừ Tòa án binh có hệ thống riêng).
2. Đối với các ngành xử án. Ủy ban có thể vạch đường lối cho từng thời kỳ nhất định và đặc biệt và có thể vạch đường lối cho một vụ án xét thấy quan trọng. Tuy nhiên, Tòa án có thể xử khác nhưng phải nói lý do. Ủy ban có thể giao Công tố viên kháng cáo lên Tòa án trên”.
Những quy định này xuất phát từ tình hình đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến là: Trong khi liên lạc với Chính phủ Trung ương hoặc cấp trên có nhiều khó khăn thì Ủy ban kháng chiến hành chính là cơ quan quyền lực của địa phương, trong điều kiện Hội đồng nhân dân không họp được, và cũng là cơ quan được Hội đồng Chính phủ giao cho chỉ đạo mọi mặt kháng chiến của địa phương.
Với yêu cầu là dân chủ hoá và tăng cường các Tòa án, Sắc lệnh số 158-SL ngày 17-11-1950 đã quy định đưa cán bộ công nông có thành tích và có kinh nghiêm vào làm Thẩm phán mà không đòi hỏi phải có bằng cấp về luật học. Sắc luật này đã tạo điều kiện cho việc nhanh chóng tăng cường cho các Tòa án nhân dân một đội ngũ cán bộ có quan điểm lập trường cách mạng trong công tác, làm nòng cốt để xây dựng các Tòa án trở thành những Tòa án thực sự của nhân dân.
Trên cơ sở các Tòa án được tăng cường cán bộ cách mạng, Sắc lệnh số 156-SL ngày 22-11-1950 đã quy định việc thành lập Tòa án nhân dân liên khu và giao cho các Tòa án đó quyền xử cả những tội phản cách mạng. Từ đó, các Tòa án quân sự đã được nhập vào hệ thống Tòa án thường và các cán bộ của Tòa án quân sự lại được tăng cường cho Tòa án nhân dân liên khu.
Về tổ chức bào chữa (Luật sư và bào chữa viên nhân dân). Dưới chế độ dân chủ nhân dân quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của người công nhân.
Trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của ta, chế độ bào chữa được coi là một chế độ trọng yếu trong tố tụng, vì nó giúp cho công tác xét xử tiến hành được toàn diện, khách quan, chính xác, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người bị cáo, đồng thời bảo vệ pháp luật của Nhà nước.
Bào chữa là một bộ phận cần thiết trong công tác xét xử, cho nên ngoài tổ chức Luật sư đã được Sắc lệnh ngày 10/10/1945 duy trì với một số điểm sửa đổi cho thích hợp với tình hình mới, Sắc lệnh số 69 ngày 18/6/1949 và Sắc lệnh số 144 ngày 22/12/1949 đã mở rộng tổ chức bào chữa, cho phép những nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là Luật sư bênh vực cho mình trước các Tòa xử việc bộ và thương mại trước Tòa án thường và đặc biệt xử việc tiểu hình, đại hình, trừ Tòa án binh tại mặt trận. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận (điều 1).
Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can cử một người ra bào chữa cho bị can (điều 2).
Để “tranh chấp chính quyền với địch trong vùng bị chiếm, thi hành luật pháp chính quyền nhân dân trong vùng bị chiếm để bảo vệ nhân dân và trừng trị ngụy quyền”, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 157-SL ngày 17/11/1950 tổ chức Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm đóng, mà theo đó trong những vùng tạm bị địch chiếm đóng có thể thiết lập một Tòa án gọi là Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm. Quản hạt Tòa án này có thể là một tỉnh, một số huyện trong một tỉnh, hay một số xã trong một huyện hay trong nhiều huyện (Điều 1).
Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm có thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án quân sự. Các bản án đều được thi hành ngay. Về việc binh và hộ, Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Tòa án nhân dân tỉnh. Nếu quản hạt của Tòa án nhân dân vùng bị tạm chiếm là một tỉnh thì trực thuộc quyền điều khiển của Tòa án nhân dân liên khu hoặc Tòa phúc thẩm.
Về việc xét xử các việc thuộc thẩm quyền Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Tòa án quân sự liên khu và Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu. Nếu có Tòa án nhân dân liên khu thì thuộc quyền điều khiển của Tòa án này.
Thực hiện nhiệm vụ phản phong của cách mạng dân tộc dân chủ, Sắc lệnh số 149 ngày 12/4/1953 đã quy định về chính sách ruộng đất để tiến hành việc phát động quân chủng cải cách ruộng đất. Để bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất. Để bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, đẩy kháng chiến đến thắng lợi. Sắc lệnh số 150 ngày 12/4/1953 đã thành lập các Tòa án nhân dân đặc biệt ở những vùng phát động quần chúng để cải cách ruộng đất.
Nhiệm vụ của các Tòa án nhân dân đặc biệt là: Trừng trị những kẻ phản cách mạng, cường hào gian ác, những kẻ chống lại hoặc phá hoại chính sách cải cách ruộng đất; xét xử những vụ tranh chấp về tài sản, ruộng đất có liên quan đến các vụ án trên; xét xử những vụ tranh cãi về phân định thành phần giai cấp.
Các Tòa án nhân dân đặc biệt không xử những vụ hình và hộ thuộc Tòa án nhân dân thường.
Những vụ án phản cách mạng phức tạp và phải xét xử lâu dài thì do Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu quyết định chuyển sang Tòa án nhân dân thường xét xử.
Các Thẩm phán của các Tòa án nhân dân đặc biệt chủ yếu là trung, bần, cố nông trong đó có cán bộ chính trị làm chủ chốt. Một nửa số Thẩm phán do Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh lựa chọn, một nửa nữa do Nông hội huyện cử ra. Khi làm xong nhiệm vụ thì các Tòa án nhân dân đặc biệt giải tán.
Đánh giá giai đoạn phát triển về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959, chúng ta thấy giai đoạn này được chia thành hai bước: bước một từ năm 1945 đến năm 1949. Trong bước này chúng ta đã hoàn toàn bãi bỏ Tòa án của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập những Tòa án nhân dân mới, trong đó có Tòa án quân sự đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng.
Tuy nhiên, các Tòa án “thường” thì còn mang nặng ảnh hưởng của tư tưởng pháp lý tư sản, do những điều kiện khách quan và chủ quan trong thời gian này, đặc biệt chúng ta vừa thiếu cán bộ vừa thiếu kinh nghiệm tư pháp; Bước thứ hai từ năm 1950 đến năm 1958. Trong bước này đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức và chuyên môn của Tòa án nhân dân, tính nhân dân của Tòa án nhân dân được thể hiện rõ nét cả trong tổ chức và trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, trong bước này quá nhấn mạnh tính cách mạng, tính nhân dân, cho nên nhiều cán bộ Tòa án không được đào tạo về luật và do đó phần nào có hạn chế trong công tác chuyên môn.
Về hoạt động của các Tòa án trong những năm 1945 đến 1958 chúng ta có thể thấy: Trong những ngày trước ngày Toàn quốc kháng chiến các Tòa án Quân sự đã trấn áp nhiều phần tử cách mạng như đã tuyên xử tử hình tên quản Dưỡng phạm tội bắt vào đoàn nhân dân đi biểu tình ở tỉnh Hà Đông; trừng trị bọn phản động Quốc dân Đảng, Đại việt duy tân đã gây ra nhiều vụ tống tiền, ám sát, gây bạo loạn (ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai...), phá đê sông Cà Lồ (Phúc Yên) điển hình là vụ chôn sống người ở phố Ôn Như Hầu (Hà Nội); vụ âm mưu phá cầu Chim Sơn (Quảng Nam) lật đổ chuyến xe lửa chở bộ đội Nam tiến; vụ Nguyễn Tiến Lãng, một viên quan cao cấp trong triều đình Huế, con nuôi của tên thực dân cáo gà Rơ-nê Rô-banh, Thống sứ Bắc Kỳ v.v...
Từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) trở về sau, các Tòa án Quân sự và Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực chống những âm mưu đen tối của thực dân Pháp “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tăng cường chiến tranh gián điệp, tăng cường nội gián, biệt kích, xúc tiến việc đưa những tên phản động nhất trong hàng giáo đạo thiên chúa, trong các đảng phái phản động (Quốc dân Đảng, Đại Việt), trong giai cấp địa chủ vào nắm bộ máy ngụy quân, ngụy quyền hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, phục hồi lại chính quyền thực dân, phong kiến.
Các Tòa án đã hoạt động lưu động khắp nơi ở hậu phương, ở tiền tuyến, nhiều khi ở sát vị trí của địch và cả trong những vùng du kích và căn cứ du kích nằm sâu trong lòng địch ở Nam Bộ, ở Bình Trị Thiên ở liên khu 5 và vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều phiên Tòa đã được tổ chức ngay tại xã, thôn, xóm có hàng ngàn người tham dự; đã đưa ra xét xử và nghiêm trị bọn việt gian phản động, bọn gián điệp, bọn phản động bị lợi dụng tôn giáo để hoạt động phá hoại như vụ gián điệp Hưng Yên (Nghệ An), Phát Diệm, Châu Sơn (Ninh Bình), Tang Điện, Hạ Trại (Nam Định), Sơn Hà (Tây Nguyên) v.v...
(còn nữa)