Tòa án Quân sự: Nền móng của hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW| 09/09/2015 15:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lịch sử lập pháp nước nhà đã ghi nhận, Toà án quân sự (TAQS) là tiền thân của hệ thống Toà án Việt Nam ngày nay. Sau 70 năm thành lập, Tòa án quân sự các cấp đã từng bước phát triển, gắn liền với hệ thống Tòa án Việt Nam.

Tất cả đều phấn đấu cho mục tiêu xây dựng và củng cố nền tư pháp nước nhà theo hướng hiện đại, dân chủ, văn minh.

Nền móng lịch sử

Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chỉ sau thời khắc lịch sử đó 11 ngày, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 thiết lập các TAQS trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là loại hình Toà án đầu tiên của Nhà nước Việt Nam và cũng là tiền thân của hệ thống TAND hiện nay. Các TAQS mà thực chất là Toà án cách mạng ra đời trong điều kiện đất nước ta vừa giành độc lập, bị các lực lượng thù trong, giặc ngoài âm mưu phá hoại. TAQS đã trở thành công cụ sắc bén đầy hiệu lực của chính quyền Nhà nước Việt Nam non trẻ, gánh vác trọng trách trừng trị và đè bẹp sự phản kháng của bọn thực dân, Việt gian phản động, góp phần bảo vệ và củng cố thành quả cách mạng, tiến tới xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Ngày 23/8/1946, Chính phủ ban hành các Sắc lệnh về tổ chức Toà án binh lâm thời. Ngày 16/2/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 thành lập các Tòa án binh khu. Theo đó, hệ thống TAQS gồm hai cấp: Tòa án binh tối cao và dưới là các Tòa án binh khu. Tuy nhiên, các Tòa án binh chưa phải là tổ chức hoạt động chuyên trách, mà chỉ khi có vụ án mới lập ra Tòa án để tổ chức xét xử. Trong thời kỳ này, TAQS tiến hành xét xử tất cả những người có hành vi gây phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt, chiến trường bị chia cắt nên Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư tổ chức các Toà án binh mặt trận. Từ đây, Tòa án binh được thành lập ở tất cả các mặt trận để xét xử tội phạm ngay tại chiến trường. Các Toà án binh đã bám sát chiến trường và cơ động cùng các đơn vị trong chiến đấu, kịp thời xét xử nghiêm minh những hành vi phạm tội xâm phạm đến độc lập của Tổ quốc và sức mạnh chiến đấu của quân đội, giữ gìn kỷ luật chiến trường.

Từ năm 1954 đến 1957, các Toà án binh khu, Toà án binh liên khu, Toà án binh mặt trận được tổ chức theo vùng, miền và mặt trận cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân đội. Như vậy, từ mô hình các TAQS hoạt động độc lập khi mới thành lập, đến năm 1947 đã được tổ chức theo hai cấp Toà án và thực hành xét xử 1 cấp, án xử xong có hiệu lực thi hành ngay, không ai có quyền chống án, trừ trường hợp tuyên án tử hình phải chờ quyết định của Chủ tịch nước.

Ngày 3/1/1986, Pháp lệnh Tổ chức TAQS được ban hành. Pháp lệnh ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án quân sự. Theo đó, các TAQS được xác định là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong Quân đội với hệ thống 3 cấp (Trung ương, Quân khu và khu vực), hoạt động chuyên trách với vị trí, vai trò là cơ quan tư pháp trong quân đội. Và, hệ thống TAQS ba cấp đã được duy trì từ đó cho đến nay, ở Trung ương có TAQS Trung ương (thời gian đầu, từ 1986 đến 1992 là Tòa án quân sự cấp cao), cấp thứ hai gồm 9 TAQS cấp quân khu; cấp thứ ba gồm 17 TAQS khu vực.

Tòa án Quân sự: Nền móng của hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ TAQS vừa là tay súng chiến đấu trực tiếp với quân thù, vừa làm nhiệm vụ xét xử tội phạm. Sau khi hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng CNXH.

Thời kỳ đầu, đội ngũ cán bộ TAQS hầu hết là cán bộ chính trị, cán bộ quân sự chuyển sang làm công tác xét xử. Mặc dù chưa có kiến thức pháp luật nhưng, với quyết tâm vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm; trải qua thực tiễn xét xử, cán bộ Tòa án quân sự đã ngày càng tiến bộ, từng bước trưởng thành. Năm 1975, toàn ngành TAQS mới chỉ có 2 cán bộ được học luật ở Nga về. Năm 1979, có 12% cán bộ TAQS đạt trình độ trung cấp luật. Đến nay, 100% số cán bộ chuyên môn của các Toà án quân sự có trình độ cử nhân luật (hầu hết được đào tạo theo chương trình chính quy dài hạn); có trên 50 cán bộ có trình độ sau đại học (Tiến sỹ, Thạc sỹ) chuyên ngành luật.

Cùng với công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lãnh đạo TAQS luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ chính trị, quân sự cho đội ngũ cán bộ. Lớp lớp cán bộ Tòa án hàng năm được cử đi dự các khoá đào tạo chính trị tại Học viện chính trị quân sự, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh... Hiện nay, 100% Thẩm phán TAQS các cấp có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Bên cạnh đó, việc rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin thường xuyên được chú ý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đến nay, hầu hết cán bộ đã có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chưa phát hiện cán bộ nào có biểu hiện tham nhũng hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong giải quyết án.

Những thành tựu đạt được và mục tiêu hướng tới

Với đội ngũ cán bộ chất lượng ngày càng cao; hoạt động thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự của các TAQS đã đạt được chất lượng và hiệu quả tương đối tốt. Trong 70 năm qua, hoạt động xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội. Bản án do TAQS tuyên luôn tạo được sự đồng thuận xã hội, được nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tin tưởng ủng hộ, công lý và dân chủ hiện hữu trong các phiên tòa.

Bên cạnh hoạt động xét xử, các TAQS đã quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ thị của Bộ Quốc phòng về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Các TAQS các cấp đã tổ chức nói chuyện và giảng dạy pháp luật hàng chục ngàn giờ cho cán bộ, chiến sỹ trên địa bàn đóng quân về nội dung pháp luật cũng như tình hình chấp hành pháp luật trong và ngoài quân đội; là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

 Việc xét xử lưu động luôn được các Tòa chú trọng, trên 70% số án được tổ chức xét xử tại đơn vị, nơi xảy ra vụ án. Thông qua các phiên toà xét xử lưu động đã phát huy hiệu quả trực quan, sinh động, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; hạn chế, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật tại các địa phương và đơn vị.

Tòa án Quân sự: Nền móng của hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay

Đội ngũ cán bộ TAQS ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn (Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm)

Cùng với đó, cải cách tư pháp được TAQS xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mình được Đảng và Nhà nước giao phó. TAQS Trung ương đã tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, lãnh đạo TANDTC ban hành một số văn bản, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc triển khai đồng bộ công tác cải cách tư pháp trong các cơ quan tố tụng trong Quân đội. Từ các văn bản quan trọng này, nội dung và lộ trình cải cách tư pháp trong Quân đội được Đảng ủy các cấp lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan tố tụng từng bước thực hiện.

Kết quả đầu tiên đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của các TAQS, đó là sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy công tác, nâng cao trách nhiệm cá nhân, thay đổi tác phong và lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp của đội ngũ Thẩm phán. Theo đó, kỹ năng điều khiển phiên toà, tiến hành tố tụng được nâng lên rõ rệt.

Từ việc nâng cao trách nhiệm và đổi mới tư duy công tác, các TAQS cũng như Thẩm phán luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bị cáo, người bào chữa và các thành phần tham gia tố tụng khác thu thập tài liệu, cung cấp chứng cứ, trình bày nội dung và tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tất cả các bản án được tuyên trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh luận công khai và ý kiến đề nghị của bị cáo, người bào chữa và các thành phần tham gia tố tụng khác...

Có thể nói, bằng thái độ làm việc trách nhiệm, lối tư duy tích cực, khách quan, toàn diện, với sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, các TAQS đã từng bước hiện thực hóa tư tưởng cải cách tư pháp của Đảng vào cuộc sống; nguyên tắc độc lập xét xử, tính dân chủ, công khai trong các phiên tòa ngày càng được đề cao; quyền con người, quyền công dân của các thành phần tham gia tố tụng được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Bản án do TAQS tuyên đều có tính thuyết phục cao, củng cố và tăng cường niềm tin trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đối với nền tư pháp nước nhà; góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 Về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ được TAQS hết sức chú trọng. Sau khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 được thông qua và có hiệu lực, tổ chức TAND có những thay đổi đáng kể. Theo đó, hệ thống TAND được tổ chức với bốn cấp Tòa án - hình thành thêm TAND cấp cao; Thẩm phán TAQS Trung ương nay là Thẩm phán cao cấp; riêng Chánh án TAQS Trung ương là Thẩm phán TANDTC; ở các TAQS cấp quân khu có Thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp; TAQS khu vực có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

Từ nay đến 2020, TAQS đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có lộ trình thực hiện việc cải cách tư pháp, như tinh thần mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra; thực hiện tốt “quyền tư pháp” mà Hiến pháp năm 2013 đã xác định. Đây là một trọng trách hết sức nặng nề trong hoạt động củng cố và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

 Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống TAND, cán bộ và nhân viên TAQS nguyện thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, đem hết sức mình, đoàn kết, chủ động, tích cực, sáng tạo, hoàn thành tốt  chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức TAND thực hiện thắng lợi sự nghiệp cải cách tư pháp nói riêng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Trong đó, TAQS sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

 Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 79-KL/TW/2010,  Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTW ngày 08/3/2007 của Đảng ủy quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương) về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020; các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Đẩy mạnh thực hiện đề án cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp và bộ máy tổ chức hoạt động theo tinh thần trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý. Hoàn thiện hệ thống tổ chức TAQS theo mô hình và lộ trình đã xác định. Xây dựng đội ngũ cán bộ TAQS có chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức trong sạch; có dũng khí bảo vệ công lý. Nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm; góp phần quan trọng tăng cường kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Quân sự: Nền móng của hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay