Tỉnh Lạng Sơn nỗ lực gỡ khó cho các hợp tác xã giữa dịch bệnh

Việt Bắc| 17/08/2021 14:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà nhiều khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại tỉnh Lạng Sơn phải đương đầu với không ít khó khăn, nhất là khi tình hình sản xuất, kinh doanh ngày càng “lao dốc”. Trước tình hình đó, UBND tỉnh này đã sớm có nhiều giải pháp thiết thực, nhằm tăng cường hỗ trợ các HTX “vượt khó”.

Tình hình sản xuất, kinh doanh “lao dốc”

Ngày 13/8 vừa qua, bà Đoàn Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký, ban hành văn bản số 346/BC-UBND, cho biết khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, việc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với các khu vực có ca lây nhiễm và hạn chế đi lại giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương khác khiến cho nguồn hàng, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa của các hợp tác xã (HTX). 

Cùng với đó là các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu về tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của HTX bị ảnh hưởng mạnh. Điển hình là, có HTX sản xuất ra nhưng không bán được sản phẩm, không có doanh thu, làm ảnh hưởng đến khả năng trả lương cho người lao động cũng như các hoạt động tài chính khác.

tuy.jpg
Bà Đoàn Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tại các Hợp tác xã trong tỉnh.

Theo bà Hà, mặc dù Nhà nước đã có chính sách rất kịp thời như giãn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay.... cho các HTX, tuy nhiên do quy mô sản xuất của các HTX nhỏ, lẻ nên hầu hết các HTX sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hệ lụy là sản lượng cung ứng ra thị trường ước giảm từ 10-15%, có HTX giảm trên 30- 40%; giá bán các sản phẩm ước giảm 20%, một số sản phẩm giảm tới 50% như: giá rau, ớt, hoa qủa các loại, gia cầm, gà, vịt..., so với thời điểm trước dịch.

Không chỉ vậy, các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động duy trì và cầm chừng, không đạt được chỉ tiêu về doanh thu so với kế hoạch đã đề ra nên bị thiệt hạn rất nặng nề đến tình hình hoạt động. Lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc thành lập các chốt kiểm dịch liên ngành đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng thời gian vận chuyển của các phương tiện chở hàng xuất khẩu vì phải dừng, đỗ thực hiện thủ tục liên quan. 

“Hiện tại có 05/12 cửa khẩu trên địa bàn đang thông quan hàng hóa. Các cửa khẩu phụ khác vẫn đang tạm thời ngừng hoạt động để đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng tới hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bến bãi, dịch vụ. Mặc khác, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc cắt giảm đơn hàng do lo ngại việc hàng hóa có mầm bệnh. Do đó tác động gián tiếp đến hoạt động của HTX trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dịch vụ, vận tải”, bà Hà thông tin.

Tăng cường hỗ trợ các HTX “vượt khó”

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, do thực hiện dãn cách trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa. Song song đó, các HTX phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nên đề nghị được xem xét hỗ trợ việc miễn nộp lãi suất vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh. Về vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn sẽ xem xét, giải quyết.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường khuyến công, khuyến nông như hỗ trợ con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón,... cho các tổ chức. Các cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, ban hành các gói tín dụng ưu đãi cho các HTX vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất ngay sau khi hết dịch. 

“Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn còn khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và có giải pháp hỗ trợ các HTX vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài”, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Được biết, tính đến hết ngày 31/7/2021, tổng số HTX trên toàn tỉnh Lạng Sơn là 386 HTX. Trong đó, thành lập mới 42 HTX (đạt 140% kế hoạch), 04 HTX giải thể. Tổng số thành viên của HTX 7 tháng đầu năm 2021 là 4.550 thành viên, gồm 350 thành viên mới (đạt 40% kế hoạch số thành viên mới 350 thành viên và không có thành viên rút khỏi HTX.

Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 8.440 người. Trong đó, số lao động thường xuyên mới là 440 người (đạt 70% kế hoạch), số lao động thường xuyên là thành viên hợp tác xã là 310 người (đạt 9% kế hoạch). Doanh thu bình quân của HTX: 500 triệu đồng/HTX (đạt 45% kế hoạch). Trong đó, doanh thu của HTX với thành viên là 30 triệu đồng (đạt 48% kế hoạch).

Ngoài ra, hiện nay, tỉnh Lạng Sơn còn có 02 Liên hiệp Hơp tác xã (LHHTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 13 HTX thành viên tham gia. Trong đó, có 01 LHHTX ngừng hoạt động (LHHTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn) và 01 LHHTX hoạt động suy giảm, doanh thu thấp, các mục tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh đề ra không đạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (LHHTX Đông Bắc Lạng Sơn).


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Lạng Sơn nỗ lực gỡ khó cho các hợp tác xã giữa dịch bệnh