Chi Lăng (Lạng Sơn): Bảo vệ và nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu Na Chi Lăng

Việt Bắc| 04/08/2021 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Lương ThànhChung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ na, UBND huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức sản xuất na an toàn đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo chân đồng chí cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, sau khi vượt gần 3km đường rừng trơn trượt, nhiều đoạn chiều rộng chưa đến 50cm, từ Quốc lộ 279 chúng tôi đến được vườn na của gia đình ông Lý Ngọc Bích tại thôn Quán Hàng, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng.

Ấn tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là những vườn na rộng lớn, hút tầm mắt của gia đình ông Bích và nhiều hộ lân cận.

anh-1-1-.jpg
Cuộc sống gia đình ông Lý Ngọc Bích được cải thiện tích cực nhờ trồng na.

Ông Bích cho biết, đất nhà ông rộng, gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng chủ yếu là cây na, với tổng diện tích trên 1 ha. Ông chia sẻ, trước đây, gia đình ông tập trung trồng ngô, thu nhập thấp, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, theo định hướng của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông đã đầu tư tập trung trồng cây na. 

“Từ ngày bỏ cây ngô chuyển sang trồng na, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi tích cực. Cây na mang lại thu nhập cao hơn nhiều cây ngô, trung bình mỗi năm trừ hết chi phí gia đình tôi cũng để ra được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng”, ông bích vui vẻ cho biết.

Không chỉ gia đình ông Bích, mà hiện nay trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang có hàng nghìn hộ có thu nhập cao từ cây na. 

Vừa nhanh tay hái những quả na đã được thu hoạch trên cây bỏ vào chiếc gùi mây, ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng vừa chia sẻ với chúng tôi, trước đây, gia đình trồng na trên núi đá. Từ năm 2003, ông trồng thêm 800 gốc na tại chân ruộng cao, không chủ động được nước. Từ năm 2015, ông bắt đầu sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2017, ông bắt đầu sản xuất na trái vụ. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Lét thu hoạch 2 vụ na, mỗi vụ từ 6 đến 7 tấn, trừ chi phí thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

“Nhờ cây na mà gia đình tôi xây được nhà mới, mua sắm được đầy đủ vật dụng trong nhà và có điều kiện nuôi các con ăn học đàng hoàng. Cuộc sống gia đình tôi khá giả và sung túc hơn nhiều”, ông Lét chia sẻ.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, cây na là cây chủ lực, thế mạnh của huyện Chi Lăng. Thương hiệu sản phẩm “Na Chi Lăng” được đông đảo người dân trong khắp cả nước biết đến và ưa chuộng, là một trong những sản phẩm tạo nên niềm tự hào cho nhân tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng.

Thời gian qua, người dân huyện Chi Lăng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Hướng đi này góp phần gia tăng giá trị canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu chỉ trồng na trên các triền núi cao, thì từ năm 2003, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây na, người dân đã mạnh dạn trồng na tại các chân ruộng một vụ. 

Theo ông Chung, năm 2015, toàn huyện Chi Lăng mới có 1.172 ha na thì tính đến hết tháng 6 năm 2021, diện tích trồng trên địa bàn huyện khoảng 1.999,6 ha, diện tích cho thu quả đạt 1.800 ha, sản lượng trên 18.000 tấn, bao gồm cả na gối vụ. Thu nhập từ sản xuất na đảm bảo đời sống dân sinh cho khoảng 3.500 hộ dân tại 8 xã, thị trấn và các vùng lân cận.

Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề lao động nông thôn cho bà con. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị ở huyện đã tổ chức được 40 lớp dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.400 lượt học viên tham gia.

Cũng theo ông Chung, nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ na, tháng 4/2021, UBND huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức sản xuất na an toàn đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

anh-2-1-.jpg
Ông Lương Thành Chung, Trường phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng: “Thương hiệu sản phẩm “Na Chi Lăng” được đông đảo người dân trong khắp cả nước biết đến và ưa chuộng, là một trong những sản phẩm tạo nên niềm tự hào cho nhân tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng”.

Duy trì các Tổ hợp tác, Ban VietGAP sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang, xã Mai Sao, Y Tịch gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vận động thêm các nhóm hộ đăng ký tham gia sản xuất na an toàn trên địa bàn. Kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm na Chi Lăng.

Đến năm 2021, thực hiện sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô 110,0 ha, nâng tổng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP toàn huyện lên 595,7 ha, diện tích sản xuất nam theo tiêu chuẩn GlobalGAP toàn huyện là 35,0 ha...

Ông Lương Thành Chung tự hào nhấn mạnh, na Chi Lăng nằm trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng ở nước ta; Top 10 “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2018 và được tôn vinh lần thứ 2 năm 2019”. Với việc sản phẩm Na Chi Lăng được bình chọn và tôn vinh này đã giúp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm Na Chi Lăng nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, đồng thời đem lại lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người nông dân trồng na của huyện Chi Lăng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi Lăng (Lạng Sơn): Bảo vệ và nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu Na Chi Lăng