Sau một năm thực hiện thí điểm chương trình Sữa học đường tại 24 trường mầm non, từ năm học 2014- 2015 này, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức triển khai chương trình Sữa học đường tại trường mầm non trên toàn tỉnh với tổng số 158 trường.
Chương trình Sữa học đường dự kiến đầu tư khoảng 54 tỷ đồng, dành cho hơn 73 ngàn trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi và định mức được thụ hưởng là 3 lần/tuần/ trẻ. Trong chương trình có sự tham dự của ông Trần Văn Túy, UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh và Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk chia sẽ kinh nghiệm triển khai chương trình Sữa học đường ở các tỉnh
Là tỉnh thứ 2 trên toàn quốc quyết tâm thực hiện chương trình Sữa học đường, Bắc Ninh đã dành 178 tỷ đồng trong 5 năm đầu tiên, kể từ năm học 2013 – 2014 dành cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm đầu tiên, 24 trường mầm non với tổng số hơn 11.600 trẻ đã được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này. Nhìn lại một năm thực hiện, qua 1 năm thực hiện tại các trường có trẻ được tham gia uống sữa đã có ghi nhận những kết quả hết sức tích cực như sau:
100% số trẻ được uống sữa trên địa bàn tỉnh phát triển tốt.
Số lượng trẻ tăng cân và tăng chiều cao đạt tỷ lệ 98%. Trung bình tăng trưởng về cân nặng là 1,07kg; chiều cao là 2,67cm/1 trẻ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3,0%, giảm 3,6% so với đầu năm học khi bắt đầu thực hiện Chương trình;
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 4,3%, giảm 3,6% so với đầu năm học khi bắt đầu thực hiện Chương trình;
Các chỉ số về chiều cao, cân nặng đều tăng so với đầu năm học.
Phát biểu tại buổi lễ sơ kết, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình cho biết, chương trình Sữa học đường thể hiện sự tâm huyết và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đối với việc phát triển thể chất và trí tuệ cho con em đất Kinh Bắc.Cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp và nhân dân đã tạo nên thành công cho chương trình này từ năm đầu tiên và là cơ sở để triển khai rộng khắp đến tất cả các trường mầm non trên toàn tỉnh.
Giám Đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh cùng Bà Bùi Thị Hương, Giám Đốc điều hành Vinamilk và công ty Tetrapak khai mạc chương trình.
Nói về công tác chuẩn bị cho năm học 2014- 2015, theo ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, “Sở đã cùng đơn vị tư vấn kỹ thuật là Công ty Tetra Pak Việt Nam và Công Ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đã triển khai tập huấn quy trình thực hiện Sữa học đường cũng như mọi công tác hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo, quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm đến từng giáo viên mầm non trong tỉnh. Khi năm học mới bắt đầu, mọi công tác chuẩn bị cho năm học đã sẵn sàng để có một năm triển khai uống sữa học đường an toàn và hiệu quả”.
Theo Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường, trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi đang học trong các trường mầm non sẽ được uống sữa UHT 180ml ADM của Vinamilk 3 lần/tuần trong suốt năm học.
Cũng theo Ban chỉ đạo, nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình gồm 50% từ ngân sách tỉnh và phần còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa. Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng từ 4.3% xuống 4% và SDD chiều cao từ 5.6% xuống 5.2% ngay trong năm đầu tiên thực hiện tại 24 trường. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ SDD cân nặng và SDD chiều cao tại tất cả các trường mầm non của tỉnh sẽ giảm xuống còn 3.5% và 4% tương ứng.
Các em đang uống sữa trong chương trình
Bà Trần Hạnh Dung, Giám đốc truyền thông công ty Tetra Pak Việt Nam cho hay: Qua một năm thực hiện thí điểm chương trình Sữa học đường cùng với tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả của chương trình trong việc cải thiện dinh dưỡng, chiều cao và cân nặng của trẻ hiện nay.
“Chúng tôi rất vui mừng và tự hào chứng kiến thành công của chương trình Sữa học đường của tỉnh Bắc Ninh trong một năm qua, chương trình đã giúp trẻ em của tỉnh có được một trong những quyền cơ bản trong công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc. Đó là quyền được tiếp cận nguồn dinh dưỡng tốt nhất, mà cụ thể ở đây là sữa. Việc sử dụng hộp sữa tiệt trùng UHT là một lựa chọn phù hợp cho chương trình Sữa học đường tỉnh Bắc Ninh nhờ đặc tính an toàn thực phẩm và bảo toàn dưỡng chất tự nhiên cao và lâu dài”.
Bà Hạnh Dung cũng tin tưởng Bắc Ninh sẽ là một bài học thành công, tạo đà cho một chương trình đầy tính nhân văn như chương trình Sữa học đường đến với trẻ em ở các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều Hành, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk chia sẻ thêm: “Vinamilk luôn quan tâm thúc đẩy chương trình Sữa học đường như là một trong những hoạt động xã hội quan trọng nhất của công ty. Mong muốn của Vinamilk là mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày để nâng cao thể chất tầm vóc của người Việt vì một Việt Nam luôn vươn cao.”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 158 trường mầm non, trong đó có 144 trường công lập, số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 110 trường; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp mẫu giáo đạt 99,25%; trẻ khuyết tật hòa nhập đạt tỷ lệ 91,2%. Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng chung ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao, trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng chiếm 12,8%, suy dinh dưỡng chiều cao chiếm 26,8%.
Về chương trình sữa học đường
Mô hình Sữa học đường được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) kêu gọi và ủng hộ, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển. Có thể nói, chương trình Sữa học đường hiện nay đang được lan rộng trên toàn cầu, và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ, nâng cao kết quả học tập. Đây cũng là mô hình giúp ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa phát triển mạnh mẽ.
Trong năm 2012 vừa qua, chương trình Sữa học đường đã đến với hơn 67 triệu trẻ em ở trên 60 quốc gia, tăng 30% so với năm 2011. Cũng trong năm 2012 đánh dấu sự quan tâm mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với chương trình Sữa học đường với 14 triệu học sinh của 60,000 trường học được uống sữa mỗi ngày trên phạm vi 26 tỉnh và 660 thành phố của Trung Quốc. Cũng trong năm 2012, Myama là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo công bố thực hiện chương trình Sữa học đường quốc gia trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ tháng 6/2013, hướng đến 45.000 học sinh tiểu học tại 205 ngôi trường.
Để biết thêm chi tiết vui lòng truy cập website: https://www.fao.org.