WHO nhận định dịch corona tại Trung Quốc chưa lên tới đỉnh điểm, ADB viện trợ 2 triệu USD giúp các nước Đông Nam Á “đối đầu” dịch bệnh do virus corona, Chủ tịch Trung Quốc đề nghị Mỹ có thái độ bình tĩnh với dịch... là những tin tức thế giới nổi bật.
WHO nhận định dịch corona tại Trung Quốc chưa lên tới đỉnh điểm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc đang ở thời kỳ đỉnh cao của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. “Các vòng lây nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra và chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm dịch trong những ngày tới”, Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO nói.
Hiện số ca nhiễm virus corona chủng mới tại tỉnh Hồ Bắc, nơi được xem là “tâm dịch”, vẫn liên tục tăng, chiếm tới 80% tổng số ca nhiễm. “Tuy nhiên, chúng ta không còn thấy sự gia tăng (số ca nhiễm virus) tương tự tại các tỉnh khác ngoài Hồ Bắc. Chúng ta cũng không còn thấy số ca nhiễm virus tăng ở Hong Kong, Macao, Đài Loan”, ông Ryan nói thêm.
Tiến hành kiểm tra nhiệt độ đối với người dân trên khắp Trung Quốc khi mọi người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
ADB viện trợ 2 triệu USD giúp các nước Đông Nam Á “đối đầu” dịch bệnh do virus corona
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản ngân sách trị giá 2 triệu USD để hỗ trợ các nước Đông Nam Á ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
ADB cho biết khoản viện trợ này, cùng với những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật đang được triển khai, sẽ giúp Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh. Các quỹ sẽ được sử dụng để cải thiện năng lực phát hiện và giám sát những nơi bùng phát dịch bệnh, cũng như tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó dịch bệnh trong đó có hỗ trợ cung cấp thiết bị chẩn đoán và xét nghiệm nhanh.
Hiện ADB đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức của Tổ chức Y tếThế giới (WHO) và các chuyên gia trong khu vực để đưa ra những phản ứng phối hợp và hỗ trợ tài chính hơn nữa nhằm ứng phó với tình hình bùng phát dịch bệnh.
Nhật Bản vẫn tổ chức Olympic Tokyo 2020 dù lo ngại dịch nCoV
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng, thế vận hội vẫn sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bác bỏ những đồn đại thất thiệt trên internet rằng thế vận hội mùa hè sẽ bị hủy bỏ vì dịch do virus corona gây ra.
Trước đó, có những cảnh báo cho rằng virus Corona sẽ gây ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cho thế vận hội Olympic 2020 tại Tokyo vào mùa hè này.
Các quan chức Nhật Bản hy vọng Olympic 2020 sẽ là sự kiện thu hút khách du lịch và quảng bá các doạnh nghiệp về những đổi mới của Nhật Bản. Chính phủ Nhật cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đón 40 triệu khách du lịch trong năm nay nhằm phát triển nền kinh tế.
Chủ tịch Trung Quốc đề nghị Mỹ có thái độ bình tĩnh với dịch corona
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các biện pháp nhằm đối với dịch virus corona mới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định việc ngăn ngừa và kiểm soát virus corona ở Vũ Hán đang ở trong "giai đoạn quan trọng" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo thảo luận về những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của chủng virus này. Ông Tập đã thể hiện sự tự tin trong việc đánh bại dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng Mỹ có thể "đánh giá tình huống dịch bệnh với một thái độ bình tĩnh" và "đưa ra những biện pháp phản ứng phù hợp".
Phản ứng của EU với “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông
Sau khi nghiên cứu bản kế hoạch của Tổng thống Mỹ, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell khẳng định, bản kế hoạch của Mỹ vi phạm sự thỏa thuận của quốc tế. Đồng thời cảnh báo, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ đã và đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Ông Josep Borrell nhấn mạnh rằng, để đạt được nền hòa bình thực sự và bền vững thì Israel và Palestine cần phải đàm phán để giải quyết hài hòa những mâu thuẫn còn tồn đọng như vấn đề về biên giới và quy chế của thành phố Jerusalem.
Đây không phải là lần đầu tiên EU phản bác chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với tranh chấp giữa Palestine và Israel. Năm 2017, EU cũng từng lên án việc Tổng thống Trump thừa nhận thành phố Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Israel tăng cường phòng bị ở Bờ Tây, Tổng thống Palestine tiếp tục tuyên bố cứng rắn
Văn phòng báo chí thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, do đánh giá được nguy cơ bùng phát xung đột từ căng thẳng leo thang tại Bờ Tây, các nhà chức trách Israel đã quyết định tăng cường thêm lực lượng tại khu vực Judea và Samaria. Xung đột được cho là hệ quả của việc Tổng thống Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông hồi cuối tháng trước.
Bên cạnh đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh, sẽ không chấp nhận bất kỳ sự đổi chác nào được đề xuất trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của ông Trump. "Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận một nhà nước mà không có Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng năm 1967… Chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu cho cuộc chiến định mệnh này và chúng ta sẽ thắng”, ông Abbas khẳng định.
Nga: Máy bay chở 172 hành khách phải hạ cánh khẩn cấp
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay Airbus A320 chở 172 hành khách từ Tehran (Iran) đến Damascus đã hạ cánh khẩn cấp tại căn cứ không quân Khmeimim do Nga kiểm soát sau khi bị nã pháo từ các lực lượng phòng không của Syria.
Truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn bộ trên Igor Konashenkov nêu rõ, các lực lượng Syria đang đáp trả hoạt động không kích của Israel nhằm vào vùng ngoại ô Damascus.
Máy bay trên chuẩn bị đáp xuống sân bay quốc tế Damascus thì bị buộc phải đổi hướng đến phi trường khác gần nhất là căn cứ Khmeimim.
Vụ việc diễn ra một tháng sau khi chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines bị rơi ngay sau khi cất cánh từ Tehran khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Venezuela giam cựu lãnh đạo công ty dầu khí Mỹ
Cảnh sát Venezuela bắt giam 6 cựu lãnh đạo công ty Mỹ Citgo đang bị quản thúc tại gia sau khi Trump gặp thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
6 người bị bắt giam gồm cựu chủ tịch Citgo Jose Pereira và các cựu phó chủ tịch Jose Luis Zambrano, Alirio Jose Zambrano, Jorge Toledo, Tomeu Vadell.
Cảnh sát thông báo đưa 6 người đến trụ sở cơ quan tình báo Sebin của Venezuela để kiểm tra y tế.
Theo Jesus Loreto, luật sư của Tomeu Vadell, 6 cựu lãnh đạo Citgo đang bị giam trong cùng một buồng ở nhà tù Helicoide, dù lệnh quản thúc tại gia chưa được tòa án thu hồi.
Citgo có trụ sở tại Houston, Mỹ, là công ty con của công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). 6 lãnh đạo của công ty bị bắt hồi tháng 11/2017 sau khi được triệu tập dự cuộc họp tại văn phòng Caracas của PDVSA. Những người này bị buộc tội tham ô, rửa tiền và âm mưu rửa tiền.
Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột bỏ cuộc tuần tra chung với quân cảnh Nga tại Syria
Các đơn vị quân cảnh Nga đã thực hiện cuộc tuần tra một mình tại tỉnh Hasakah, phía Đông Bắc Syria vào ngày 6-2, vì các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ không đến điểm xuất phát nhiệm vụ, Thiếu tướng Yuri Borenkov, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải của Bộ Quốc phòng Nga ở Syria, cho biết.
Theo tướng Yuri Borenkov, việc tuần tra được thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận và không có sự cố nào xảy ra.
Các cuộc tuần tra là một phần của thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạo vùng đệm ở miền Bắc Syria.
Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, bản ghi nhớ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào ngày 22-10-2019 tại thành phố Sochi của Nga, trong đó quy định các điều kiện cho việc rút quân của lực lượng dân quân người Kurd (bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố) ở Syria tới khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.