Tin vắn thế giới ngày 7/10: Indonesia dự báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài 5-10 năm

Bạch Dương| 07/10/2021 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới Rome dự Hội nghị thượng đỉnh G20; Thủ tướng Campuchia đề xuất cấm quan chức cấp cao mang 2 quốc tịch; Indonesia dự báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài 5-10 năm… là những tin tức thế giới đáng chú ý.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới Rome dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Bắc Kinh chưa thông báo cho ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (Nhóm G20) về việc ông Tập Cận Bình có trực tiếp dự sự kiện này hay không. Nhưng giới phái viên Trung Quốc nói rằng các biện pháp về phòng chống COVID-19 là nhân tố khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không tới Rome dự hội nghị.

tap-can-binh-g20.jpg
Ông Tập Cận Bình chưa thực hiện bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào kể từ thời điểm giữa tháng 1/2020 tới nay. Ảnh: DPA

Thủ tướng Hàn Quốc kêu gọi cải thiện quan hệ song phương với Nhật Bản

Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc ngày 6/10 ra thông cáo cho biết Thủ tướng Kim Boo-kyum đã gửi thư chúc mừng đến tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và bày tỏ hy vọng muốn tăng cường mối quan hệ hai nước, vốn đang rất căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.

Thái Lan: Ông Prayut Chan-o-cha được đề cử làm ứng cử viên Thủ tướng

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã hoan nghênh việc đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath - PPRP) lãnh đạo liên minh cầm quyền đã đề cử ông làm ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử tới.

Công bố kế hoạch phát triển Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc)

Ngày 6/10, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã có bài phát biểu về chính sách năm 2021.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng lập pháp Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh Đặc khu hành chính Hong Kong đã trở lại đúng hướng mô hình "một nước hai chế độ" và chính quyền sẽ tích cực thúc đẩy thực thi luật an ninh quốc gia ở đặc khu.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc hội đàm tại Thụy Sĩ

Ngày 6/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bắt đầu hội đàm tại Thụy Sĩ, động thái được cho là nhằm cải thiện liên lạc song phương khi giữa hai nước còn bất đồng trong nhiều vấn đề.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Sullivan với ông Dương Khiết Trì kể từ tháng 3 năm nay, khi hai quan chức cấp cao này gặp mặt tại Alaska trong cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Thủ tướng Campuchia đề xuất cấm quan chức cấp cao mang 2 quốc tịch

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu Bộ Tư pháp nước này xem xét sửa đổi hiến pháp để cấm các quan chức cấp cao nước này mang 2 quốc tịch.

Reuters ngày 6/10 đưa tin Thủ tướng Hun Sen đăng trên mạng xã hội Facebook rằng, chức vụ Thủ tưởng, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện cũng như người đứng đầu Hội đồng hiến pháp, chỉ được giữ quốc tịch Campuchia “để thể hiện sự trung thành với quốc gia và tránh can thiệp từ nước ngoài”.

Đức: Đảng Xanh muốn thành lập liên minh ba bên với SPD và FDP

Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán thăm dò đầu tiên giữa các chính đảng tại Đức, ngày 6/10, đồng lãnh đạo đảng Xanh Annalena Baerbock tuyên bố đảng của bà muốn thành lập liên minh ba bên với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Đây được xem là một đòn giáng vào liên đảng Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của phe bảo thủ.

Indonesia dự báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài 5-10 năm

Ngày 6/10, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Indonesia Gunadi Sadikin cho biết, hầu hết đại dịch có đặc điểm chung là kéo dài, ngắn nhất là 5 năm, thông thường là trên 10 năm, thậm chí là hàng trăm năm như bệnh đậu mùa và bại liệt.

Tuy nhiên, ông Budi dự báo rằng, vẫn có khả năng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu nếu chính phủ và người dân hợp tác thực hiện một số chiến lược như tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T).

lay-mau-xet-nghiem.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Indonesia, ngày 4/10/2021.

Lời giải cho chứng ‘ngón chân COVID-19’

Hội chứng “ngón chân COVID-19” dường như là một tác dụng phụ khi cơ thể chuyển sang chế độ phản ứng tấn công lại virus SARS-CoV-2.

Nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Paris (Pháp) cho biết, họ đã xác định chính xác các phần của hệ miễn dịch dường như có liên quan đến hội chứng trên. Phát hiện này có thể hỗ trợ trong công tác điều trị cho bệnh nhân.

Tỷ lệ tiêm chủng tại Australia đạt mốc quan trọng

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Australia đã đạt mốc quan trọng, với 80% số người trưởng thành được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Y tế Australia, tính đến nay, 80,5% số người trên 16 tuổi ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 58,4% số người trong độ tuổi này đã được tiêm đầy đủ.

Pfizer thử nghiệm tiêm đại trà để đánh giá hiệu quả vaccine trong thực tế

Ngày 6/10, hãng dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ thông báo tiến hành nghiên cứu hiệu quả thực tiễn của vaccine phòng COVID-19 do hãng phát triển bằng cách tiêm phòng cho toàn bộ người dân trên 12 tuổi của một thị trấn ở miền Nam Brazil.

Theo đó, nghiên cứu sẽ được thực hiện ở thị trấn Toledo, với dân số 143.000 người ở phía Tây bang Parana. Chương trình tiêm chủng quốc gia Brazil, giới chức y tế địa phương, một bệnh viện và một trường đại học liên bang sẽ phối hợp với Pfizer trong dự án này.

Moderna đề nghị Canada phê duyệt liều tiêm thứ ba vaccine phòng COVID-19

Hãng dược Moderna (Mỹ) đã nộp đơn đề nghị Bộ Y tế Canada phê duyệt liều tiêm thứ ba vaccine phòng COVID-19 của hãng.

Chủ tịch Moderna, ông Stephen Hoge nhấn mạnh "đã đến lúc cần một liều tiêm tăng cường để đạt được mức bảo vệ cao nhất có thể với xu hướng gia tăng (các ca nhiễm) hiện nay". Moderna cho biết liều tiêm tăng cường sẽ chứa 50 microgam thành phần hoạt tính - một nửa so với hai liều ban đầu. Điều này phù hợp với yêu cầu tương tự mà Moderna đã trình lên Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA).

Hàn Quốc đặt mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Theo Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum, nước này đảm bảo đủ ngân sách để điều trị cho khoảng 40.000 người và đã ký hợp đồng đặt mua trước 20.000 liệu trình thuốc Molnupiravir. Hiện Hàn Quốc cũng đang tìm mua các loại thuốc kháng virus khác. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến chi 36,2 tỷ won (30,31 triệu USD) trong ngân sách để mua thuốc kháng virus điều trị bệnh COVID-19 dạng uống.

Gần 200.000 bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ bị thu hồi do lỗi dương tính giả

Ngày 6/10, Công ty sản xuất thiết bị y tế Ellume (Australia) thông báo đã thu hồi gần 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại thị trường Mỹ do lỗi sản xuất dẫn đến cho kết quả dương tính giả.

Trước đó một ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo nhiều bộ kit xét nghiệm của Ellume có khả năng cho kết quả dương tính giả do lỗi sản xuất mới được phát hiện gần đây, song các kết quả âm tính dường như không bị ảnh hưởng do lỗi này.

Lào thúc đẩy công tác chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh

Trong một nỗ lực nhằm sớm mở lại các trường học, Bộ Y tế Lào vừa yêu cầu các quan chức giáo dục trên cả nước làm việc với chính quyền địa phương để nắm được số lượng học sinh từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng COVID-19.

Canada áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6/10 đã công bố chính sách tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19, yêu cầu các công chức phải tiêm phòng trước cuối tháng này, hoặc buộc phải nghỉ làm không lương.

Theo quy định mới, từ ngày 30/10, hành khách phải xuất trình bằng chứng tiêm chủng, trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy.

UAE tuyên bố vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố đã vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, đồng thời thông báo ghi nhận số ca mắc mới trong một tháng thấp nhất kể từ mùa Hè 2020.

Theo giới chức UAE, 7 tiểu vương quốc ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới trong tháng qua và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Hiện cuộc sống tại UAE gần như đã trở lại bình thường nhưng một số quy định phòng dịch vẫn được áp dụng như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Singapore đưa robot cảnh sát vào hoạt động

Singapore đã thử nghiệm robot tuần tra có khả năng cảnh cáo những người dân có “hành vi xã hội đáng chê trách”.

AFP ngày 6/10 cho biết các quan chức Singapore từ lâu đã thúc đẩy tầm nhìn về một “quốc gia thông minh”. Thiết bị giám sát mới nhất mà chính phủ Singapore đưa vào hoạt động là robot có tên Xavier với 7 camera giúp phát hiện “hành vi xã hội đáng chê trách” và cảnh cáo người dân.

061021-robot1.jpg
Robot Xavier tuần tra tại Singapore. Ảnh: AFP

Indonesia hủy chương trình 'bong bóng du lịch' với Singapore

Thống đốc tỉnh Quần đảo Riau của Indonesia, ông Ansar Ahmad cho biết chương trình “bong bóng du lịch” với Singapore dự kiến triển khai từ tháng 10 đã bị hủy bỏ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt tại quốc gia láng giềng này.

Trong một tuyên bố ngày 6/10 giải thích quyết định hủy bỏ chương trình rất được mong đợi trên, Thống đốc Ahmad cho biết: “Số ca mắc COVID-19 tại Singapore hiện vẫn đang ở mức cao”.

5 nước EU kêu gọi mở cuộc điều tra về việc giá khí đốt tăng cao kỉ lục

Năm nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Tây Ban Nha, Séc, Romania và Hy Lạp đề xuất mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân giá khí đốt tại châu Âu tăng đột biến, lên mức cao nhất trong lịch sử.

Trong tuyên bố chung được đưa ra ngày 5/10, đại diện năm nước EU cho rằng cần mở cuộc điều tra về các khâu vận hành trên thị trường khí đốt châu Âu nhằm, để khẳng định xem các hợp đồng mua bán khí đốt có bảo đảm đủ nhu cầu hay không.

Cổ đông lớn Chinese Estates Holdings chuẩn bị rời khỏi tập đoàn Evergrande

Ngày 6/10, Chinese Estates Holdings, cổ đông lớn của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc, cho biết tập đoàn Solar Bright Ltd đã đề nghị mua lại cổ phần của Chinese Estates với giá 1,91 tỷ đô la Hong Kong (Trung Quốc), tương đương 245,30 triệu USD.

Nếu thương vụ này thành công, toàn bộ cổ phần của Chinese Estates sẽ do Solar Bright cùng các công ty con là Century Frontier và JLLH có trụ sở tại quần đảo British Virgin, nắm giữ.

Giải Nobel Hóa học 2021 vinh danh hai nhà khoa học phát triển chất xúc tác hữu cơ

Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển thông báo giải Nobel Hóa học năm 2021 đã thuộc về hai nhà khoa học Benjamin List và David W.C. MacMillan.

Công trình giúp hai nhà khoa học trên giành giải Nobel Hóa học năm nay liên quan tới quá trình phát triển một hình thức xúc tác hữu cơ không đối xứng (asymmetric organocatalysis). Theo thông cáo báo chí của ban tổ chức, đây là một công cụ thiên tài để xây dựng các phân tử. Công cụ mới và có tính chính xác này của nhà khoa học Benjamin List và David MacMillan đã có ảnh hưởng lớn tới nghiên cứu dược phẩm và khiến ngành hóa học trở nên "xanh" hơn.

Xả súng tại trường học ở Texas

Cảnh sát bang Texas, Mỹ, ngày 6/10 cho biết đã xảy ra một vụ xả súng tại một trường trung học ở thành phố Arlington, trong khi giới chức địa phương xác nhận có vài người bị thương trong vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 7/10: Indonesia dự báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài 5-10 năm