Toàn cầu vượt 180 ca mắc COVID-19; Cảnh báo biến thể Delta sẽ chiếm 90% số ca mắc mới tại EU vào cuối tháng 8/2021; Mỹ đưa thêm 5 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Toàn cầu vượt 180 ca mắc COVID-19
Theo worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 24/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 180.332.920 ca, trong đó có 3.906.308 người tử vong.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 165.059.614 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.366.998 ca và 81.232 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.446.734 ca mắc và 618.181 ca tử vong.
Thủ tướng Italy tiêm kết hợp hai loại vaccine ngừa COVID-19
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho mũi vaccine đầu tiên sử dụng vaccine của AstraZeneca.
Nhật Bản tăng tốc tiêm chủng để duy trì mốc 1 triệu liều/ngày
Tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản đang gia tăng khi mà tỷ lệ tiêm chủng theo ngày đã đạt mức 1 triệu liều/ngày trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Con số này là một mốc quan trọng mà Thủ tướng Suga Yoshihide đã đặt ra nhằm bảo đảo rằng nhóm người cao tuổi chiếm phần lớn dân số Nhật Bản được tiêm chủng vào cuối tháng 7 tới và tất cả người trưởng thành được tiêm chủng vào tháng 11.
Campuchia triển khai chiến dịch tiêm chủng tại các tỉnh
Sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh vào ngày 22/6, quân đội Campuchia bắt đầu mở rộng chiến dịch này tại các tỉnh.
Theo kế hoạch, từ ngày 22-30/6, khoảng 1,2 triệu người tại các tỉnh Preah Sihanouk, Koh Kong, Kampong Speu và Takeo sẽ được tiêm phòng COVID-19 mũi đầu tiên, trong đó quân đội thực hiện tiêm phòng cho khoảng 810.000 người.
Chiến dịch tiêm vaccine ở Hàn Quốc cho thấy hiệu quả lớn với người cao tuổi
Ngày 23/6, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, theo đó số bệnh nhân nguy kịch giảm đáng kể, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi.
Singapore rút ngắn thời hạn cách ly đối với người đến từ các khu vực nguy cơ cao
Bộ Y tế (MOH) Singapore cho biết kể từ ngày 23/6, tất cả người nhập cảnh đến từ các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao sẽ chỉ phải cách ly 14 ngày, thay vì 21 ngày như hiện nay, tại các cơ sở cách ly tập trung.
EU trước nguy cơ bị biến thể Delta "nhấn chìm"
EU được cho là đang đứng trước nguy cơ bị biến chủng mới của viru SARS-CoV-2 "nhấn chìm" khi biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8/2021.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/6 đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh biến thể này đang tiếp tục lây lan tại các nước châu Âu.
Biến thể Delta lây lan mạnh tại Pháp và Đức
Ngày 23/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, loại biến thể có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn các biến thể khác, hiện chiếm đến 9 - 10% số các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này.
Anh báo động số bệnh nhân phải sử dụng máy thở
Ngày 23/6, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh đã lên tiếng cảnh báo về số lượng bệnh nhân COVID-19 phải sử dụng máy thở tại bệnh viện trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang gia tăng tại nước này.
Bà Saffron Cordery, một quan chức cấp cao thuộc NHS, cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải sử dụng máy thở trong bệnh viện hồi tuần trước đã tăng 41%, lên 227 người. Bà cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang tác động trở lại hệ thống y tế Anh khi mà số ca nhiễm mới gia tăng khiến nhu cầu điều trị khẩn cấp cũng tăng lên và đặt ra những thách thức.
Australia siết chặt hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn biến thể Delta
Ngày 23/6, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia đã siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập ở thành phố thủ phủ Sydney nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Theo đó, cư dân tại 7 khu vực ở phía Đông và phía Tây Sydney chỉ được phép ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Mỗi gia đình được tiếp tối đa 5 khách cùng lúc, trong khi đeo khẩu trang ở các không gian kín là quy định bắt buộc, kể cả nơi công sở và phòng tập gym. Một số trường học phải chuyển hoàn toàn sang hình thức dạy và học trực tuyến. Các biện pháp này có hiệu lực trong một tuần.
Mỹ đưa thêm 5 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt
Ngày 23/6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc với cáo buộc có các vi phạm về lao động. Trong số 5 công ty vừa được đưa vào “Danh sách thực thể bị trừng phạt” của Bộ Thương mại Mỹ có các công ty lớn về sản xuất silic đơn tinh thể và silic đa tinh thể dùng trong chế tạo các tấm pin Mặt trời.
Hội nghị quốc tế thông qua kết luận thúc đẩy tổng tuyển cử ở Libya
Hội nghị quốc tế về Libya lần thứ hai đã bế mạc ngày 23/6 tại Berlin với việc các bên tham gia ra tuyên bố kết thúc hội nghị gồm 58 điểm nhằm thúc đẩy hòa bình và trước mắt tiến hành các cuộc bầu cử ở Libya, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12 tới.
Hội nghị do Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đồng tổ chức, với sự tham dự của đại diện 17 nước và các tổ chức LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab (AL).
Mỹ, Hàn Quốc phát tín hiệu hòa giải với Triều Tiên
Ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí xem xét chấm dứt diễn đàn tham vấn về chính sách đối với Triều Tiên trong cuộc hội đàm giữa Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim và người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk.
KCNA: Bộ Ngoại giao Triều Tiên từ chối lời đề nghị đàm phán của Mỹ
Ngày 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.
Thông báo trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Triều Tiên được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Washington.
Mỹ lập lực lượng 400.000 quân tại châu Á-Thái Bình Dương
Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) cho rằng Mỹ đã thiết lập lực lượng quân sự hùng mạnh gồm 400.000 quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thông tin trên do ông Igor Kostyukov, Giám đốc GRU đưa ra tại một hội nghị về an ninh quốc tế ở Moscow ngày 23/6. Ông cho rằng các động thái của Mỹ, như nỗ lực đưa Ấn Độ vào một liên minh châu Á-Thái Bình Dương theo kiểu NATO, là nhằm thống trị khu vực và đối phó với Nga cũng như Trung Quốc.
Iran chặn đứng âm mưu phá hoại tòa nhà của cơ quan năng lượng nguyên tử
Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 23/6 đưa tin, nước này đã chặn đứng một cuộc tấn công phá hoại nhằm vào tòa nhà của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI).
Hiện giới chức Iran chưa bình luận về thông tin trên.
Không kích trúng khu chợ đông đúc khiến hàng chục người thiệt mạng tại Ethiopia
Ngày 23/6, truyền thông quốc tế đưa tin một trận không kích gây thương vong lớn đã xảy ra tại khu vực Tigray của Ethiopia.
AP dẫn lời nhân chứng cho hay vụ không kích xảy ra tại một khu chợ đông đúc tại Togoga của tỉnh Tigray của Ethiopia. Các nhân viên y tế nói rằng binh sĩ đã có mặt tại hiện trường và ngăn không cho lực lượng cứu thương vào bên trong.
Nhiều công ty dầu khí dự báo giá dầu có thể sớm cán mốc 100 USD/thùng
Tại Diễn đàn Kinh tế Qatar (21-23/6), giám đốc điều hành một số công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới nhận định giá dầu thô nhiều khả năng tiếp tục duy trì đà tăng. Nguyên nhân là đầu tư vào lĩnh vực này sụt giảm, khiến nguồn cung trong thời gian tới bị ảnh hưởng.
Tỷ phú Warren Buffett rút khỏi vai trò quản lý quỹ Bill and Melinda Gates
Ngày 23/6, tỷ phú đầu tư Warren Buffett thông báo rút khỏi vai trò là người quản lý quỹ Bill and Melinda Gates Foundation (BMG), một trong những tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới.
Trước đó, tỷ phú 90 tuổi này cũng đã rời bỏ nhiều vị trí quản lý khác và hiện chỉ đảm nhiệm duy nhất vai trò quản lý tại Berkshire Hathaway Inc.
Tỷ lệ sinh tại Mỹ giảm mạnh nhất trong 50 năm
Báo cáo mới của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy số phụ nữ Mỹ sinh con trong năm 2020 đã giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, số ca sinh năm 2020 giảm 4% so với năm 2019 và là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ năm 1973.
Tăng trưởng kinh doanh của Eurozone đạt mức cao nhất trong 15 năm
Hoạt động kinh doanh của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6/2021 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm khi các chính phủ tại đây nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch và nhu cầu bị dồn nén được giải phóng đã thúc đẩy sự bùng nổ trong ngành dịch vụ - vốn đóng góp rất nhiều vào hoạt động kinh tế của khối này.
Anh siết chặt quản lý các nền tảng truyền phát trực tuyến
Ngày 23/6, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch nhằm siết chặt quản lý với các nền tảng truyền phát trực tuyến (streaming). Đây được cho là một phần của kế hoạch bao trùm hơn nhằm cải tổ lĩnh vực truyền thông của "xứ sở sương mù".
Theo các kế hoạch được đề xuất, các dịch vụ như Netflix, Disney+ và Amazon Prime Video sẽ chịu các mức độ quản lý giống những kênh truyền hình truyền thống như BBC, ITV và Sky. Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden cho rằng biện pháp trên giúp đảm bảo sân chơi công bằng cho cả các đài truyền hình và các dịch vụ truyền phát video theo yêu cầu.