Mỹ hoãn phê duyệt vaccine của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi; "Omicron tàng hình" có thể gây bệnh nặng hơn biến thể gốc; Nhật Bản tìm ra nguyên nhân của hội chứng COVID kéo dài… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Mỹ hoãn phê duyệt vaccine của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi bởi kết quả cho thấy hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với chủng Omicron. Dữ liệu cho đến nay cho thấy vaccine Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả ngừa chủng Delta nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc COVID-19 sau khi chủng Omicron xuất hiện.
"Omicron tàng hình" có thể gây bệnh nặng hơn biến thể gốc
"Omicron tàng hình", cách gọi khác của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn có thể gây bệnh nặng hơn so với biến thể gốc BA.1, thậm chí có thể "né tránh" được các liệu pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Đây là kết quả nghiên cứu sơ bộ trên động vật của các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo ở Nhật Bản được công bố mới đây.
Nhật Bản tìm ra nguyên nhân của hội chứng COVID kéo dài
Thông qua các thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu của Giáo sư sinh học Eiji Hara (Đại học Osaka) nhận thấy các tế bào bị tác động bởi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã góp phần lây lan sự viêm nhiễm trong cơ thể. Theo nhóm nghiên cứu, đây có thể là lý do khiến các bệnh nhân COVID-19 thường phàn nàn về tình trạng hôn mê, đau đầu, rụng tóc và các triệu chứng khác sau khi đã khỏi bệnh.
WHO khuyến nghị rút ngắn thời gian cách ly
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị những nước đang đối phó với số ca mắc COVID-19 gia tăng nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày trong một số trường hợp. Cụ thể, thời gian cách ly có thể giảm từ 14 ngày xuống 10 ngày mà không cần xét nghiệm, và giảm xuống 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 miễn là người cách ly không còn bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào.
Malaysia tích cực triển khai việc mở cửa biên giới
Thủ tướng Malayisa Ismail Sabri Yaakob đã yêu cầu Bộ Y tế nước này trình chính phủ các đề xuất và quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) liên quan tới việc mở cửa biên giới trong thời gian từ 2-3 tuần tới.
Phát biểu với báo giới ngày 18/2, Thủ tướng Ismail Sabri cho biết quyết định này cần phải được xem xét cẩn trọng trong bối cảnh Chính phủ Malaysia đang nhận được nhiều phản hồi về vấn đề này, trong đó bao gồm cả yêu cầu chính phủ cần mạnh tay hơn, đặc biệt là đối với các quy định phòng dịch, do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Hàn Quốc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội
Theo hướng dẫn mới, số người được phép tụ tập riêng tối đa là 6 người, song thời gian kinh doanh sẽ được kéo dài thêm một giờ. Cụ thể, các nhà hàng, quán cà phê, các trung tâm thể thao trong nhà, quán karaoke, quán rượu và câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến 22h hằng ngày.
Những người chưa tiêm phòng đủ sẽ được phép vào nhà hàng và quán cà phê một mình, hoặc sử dụng dịch vụ mua về hoặc giao hàng. Chương trình thẻ thông hành vaccine, vốn cho phép những người đã tiêm phòng đủ có thể đến các cơ sở tập trung đông người, sẽ được duy trì tại 11 địa điểm như các nhà hàng, quán cà phê và quán rượu.
Australia mở cửa cho du khách đã tiêm 3 mũi
Tại Australia, bang Tây Australia tuyên bố sẽ mở cửa cho các du khách đã tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19, sau khi nhận thấy khu vực này có thể ứng phó với sự lây lan của biến thể Omicron. Tại các thành phố Sydney và Melbourne, nhà chức trách đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca nhập viện do COVID-19 đang giảm ở mức ổn định.
Indonesia lập cơ sở cách ly tập trung tại tất cả các địa phương
Ngày 18/2, một quan chức Indonesia cho biết chính phủ nước này đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung tại mỗi tỉnh và thành phố để điều trị bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
Jordan nới lỏng hạn chế với du khách nhập cảnh
Từ ngày 1/3, Jordan sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với toàn bộ du khách nhập cảnh vào nước này; những người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly 5 ngày, bắt đầu từ ngày lấy mẫu xét nghiệm và không cần phải xét nghiệm PCR khi hết thời gian cách ly; những người tham dự các cuộc tụ tập, các sự kiện như hòa nhạc, đám cưới sẽ không cần phải xét nghiệm PCR nữa.
G20 cam kết thoát khỏi đại dịch COVID-19
Ngày 18/2, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết người đứng đầu ngành tài chính của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết thực thi các chính sách được điều chỉnh kỹ lưỡng khi các nền kinh tế phục hồi và cố gắng thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày diễn ra tại Jakarta dưới định dạng kết hợp gặp mặt trực tiếp và trực tuyến, Thống đốc Perry Warjiyo cho hay các thành viên G20 "cam kết thực thi chính sách tiền tệ thoát khỏi đại dịch được điều chỉnh, lên kế hoạch và thống nhất kỹ lưỡng" nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng thống Nga: Tình hình tại miền Đông Ukraine đang xấu đi
Ngày 18/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá về tình hình tại miền Đông Ukraine. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow, Tổng thống Putin nêu rõ "(chúng tôi nhận thấy) tình hình đang xấu đi" ở miền Đông Ukraine. Theo ông, phương Tây và đồng minh "chưa sẵn sàng xem xét nghiêm túc các đề xuất an ninh then chốt".
Hội nghị An ninh Munich: TTK LHQ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các bên liên quan cuộc xung đột ở Ukraine có biện pháp giảm leo thang, trong đó nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho căng thẳng hiện nay.
Hong Kong lùi thời điểm bầu trưởng đặc khu
Ngày 18/2, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) chính thức thông báo hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu khóa VI đến ngày 8/5 tới. Vì lý do này, thời gian đề cử mới sẽ kéo dài từ ngày 3/4 đến ngày 16/4
IAEA hoàn tất thanh tra kế hoạch xả thải từ nhà máy Fukushima Daiichi
Ngày 18/2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo phái đoàn của họ đã hoàn tất chuyến thanh tra kéo dài 5 ngày tại Nhật Bản, nhằm đánh giá mức độ an toàn trong kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Fukushima số 1) ra Thái Bình Dương.
Mỹ đưa một loạt nền tảng thương mại Trung Quốc vào danh sách 'tai tiếng'
“Gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent ngày 18/2 cho biết họ hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Chính phủ Mỹ về việc bổ sung ứng dụng WeChat của tập đoàn vào danh sách các nền tảng "tai tiếng” về buôn bán hàng giả.
Phát ngôn trên được đưa ra sau khi WeChat và trang thương mại điện tử AliExpress nằm trong danh sách do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố hôm 17/2. USTR cho hay đây là các nền tảng thương mại mà Chính phủ Mỹ cho rằng "tham gia, tạo điều kiện, nhắm mắt làm ngơ hoặc hưởng lợi đáng kể từ hành vi vi phạm bản quyền hoặc hàng giả ".
Bộ Giáo dục Mỹ xóa khoản nợ 415 triệu USD cho các sinh viên bị trường lừa dối
Bộ Giáo dục Mỹ mới đây thông báo xóa khoản nợ hơn 415 triệu USD cho những sinh viên đã vay tiền để theo học tại các trường hoạt động vì lợi nhuận, sau khi Bộ này tìm thấy bằng chứng cho thấy các trường đại học đó đã phạm luật và không đạt tiêu chuẩn.
Châu Phi xuất hiện ca mắc bại liệt đầu tiên sau 5 năm
Malawi đã tuyên bố bùng phát bệnh bại liệt sau khi một bé gái ba tuổi được chẩn đoán nhiễm virus gây bệnh này. Theo tờ Dailymail, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đây là trường hợp đầu tiên nhiễm virus bại liệt hoang dã ở châu Phi trong hơn 5 năm qua.
Ấn Độ tuyên án tử hình 38 đối tượng trong vụ đánh bom đẫm máu tại Ahmedabad
Ngày 18/2, tòa án Ấn Độ đã tuyên án tử hình 38 đối tượng liên quan đến loạt vụ nổ bom khiến nhiều người thiệt mạng tại thành phố Ahmedabad, miền Tây nước này vào năm 2008.
Nổ lớn ở miền Đông Ukraine
Hãng tin Reuters (Anh) và hãng thông tấn Tass (Nga) cho biết một vụ nổ lớn đã xảy ra vào chiều ngày 18/2 tại trung tâm thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine, nhưng chưa có thông báo về thiệt hại hay thương vong.
Bão Zeynep tràn qua nhiều nước châu Âu
Ngày 18/2, Công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn thông báo một số dịch vụ tàu tại khu vực miền Bắc của nước này phải ngừng hoạt động do bão Zeynep, cơn bão mùa Đông thứ hai tiếp tục đổ bộ một ngày sau bão Ylenia gây thiệt hại ước tính 500 triệu euro và gián đoạn trên diện rộng.
Bão Eunice gây nhiều thiệt hại ngay khi đổ bộ vào Anh
Cơn bão Eunice đã đổ bộ vào miền Nam nước Anh trong sáng 18/2 (giờ địa phương), với sức gió kinh hoàng lên đến 195 km/h.
Bão Eunice đã khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, các trường học phải đóng cửa, các chuyến bay, phà và tàu điện trên khắp nước Anh và miền Nam xứ Wales đều bị hủy bỏ. Hơn 100.000 người dân ở đây đã bị mất điện sinh hoạt do đường dây bị đứt và cây cối bị bật gốc.
Đức tiếp tục đối mặt với trận bão mới
Sau khi cơn bão Ylenia đổ bộ vào nước Đức tối 16/2 làm đảo lộn nhiều hoạt động giao thông hàng không và đường bộ, Cơ quan khí tượng Đức (DWD) dự báo cơn bão mùa Đông tiếp theo có tên là Zeynep đang hướng vào nước này trong ngày 18/2 và có khả năng tiếp tục gây ra gián đoạn trên diện rộng.
Cháy tàu vận chuyển xe ô tô của Volkswagen ở ngoài bờ biển Bồ Đào Nha
Ngày 18/2, người phát ngôn hãng sản xuất ô tô Volkswagen cho biết một tàu container vận chuyển hàng nghìn chiếc xe của tập đoàn này từ Đức đến Mỹ đã bị cháy ở gần bờ biển quần đảo Azores của Bồ Đào Nha.