Tin vắn thế giới ngày 18/2: Nga bác tin đồn có thể tấn công Ukraine sau ngày 20/2

Bạch Dương| 18/02/2022 08:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nga bác tin đồn có thể tấn công Ukraine sau ngày 20/2; Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép chuyển các tài liệu ghi chép dưới thời ông Donald Trump cho cơ quan điều tra; Israel sắp dỡ bỏ quy định về Thẻ Xanh… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Nga bác tin đồn có thể tấn công Ukraine sau ngày 20/2

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã bác bỏ thêm một thông tin giả khác của tờ Politico rằng Nga có thể tấn công Ukraine sau ngày 20/2.

Ông Peskov cho biết từng có nhiều đồn đoán về ngày Nga tấn công Ukraine, thậm chí còn cụ thể hơn nhiều. Ông Peskov kết luận: “Tất cả đều là giả dối, tin giả vô trách nhiệm, nhưng không ai trong số các tác giả chịu thừa nhận họ đã sai”.

dmitrypeskov.jpg
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép chuyển các tài liệu ghi chép dưới thời ông Donald Trump cho cơ quan điều tra

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác các đặc quyền dành cho người tiền nhiệm Donald Trump và yêu cầu cung cấp các nhật ký khách đến Nhà Trắng dưới thời ông Trump cho ủy ban điều tra vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Theo hãng tin Reuter (Anh), đây là nội dung lá thư gửi từ Nhà Trắng tới Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ.

Nga trục xuất Phó Đại sứ Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Moscow ngày 17/2 cho biết Nga đã trục xuất Phó Đại sứ Mỹ Bartle Gorman và phía Washington sẽ phản ứng với động thái này. Hiện chưa rõ quyết định trên là vì lý do gì.

Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nga điện đàm, bàn về tình hình Ukraine

Hãng thông tấn Kyodo cho biết ngày 17/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và thảo luận về tình hình Ukraine.

Phát biểu sau cuộc điện đàm, ông Kishida nói: “Tôi đã kêu gọi Tổng thống Putin rằng nên theo đuổi thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao để tìm một giải pháp có thể chấp nhận được với các nước liên quan, thay vì thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.

ASEAN tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả RCEP

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ngày 17/2 cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ và hiện quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Tổng thống Ukraine muốn trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO

Theo đài Sputnik (Nga), trong tuyên bố hôm 17/2, nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Âu đã đưa ra quan điểm về mục tiêu đã nêu ra từ lâu của Ukraine là gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

"Những vấn đề này phải do người dân quyết định và sau đó mới được ghi vào Hiến pháp”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng Pháp và Đức cần phải hành động nhiều hơn nữa để giúp Ukraine tham gia liên minh này.

Hạ viện Nga thông qua nghị quyết công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk

Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin, ngày 15/2, nghị quyết nói trên đã được thông qua với 351 phiếu ủng hộ, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Nghị quyết này do Đảng Cộng sản Nga đề xuất.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết nghị quyết sẽ lập tức được trình lên để “Tổng thống Putin xem xét vấn đề công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk là các nhà nước tự xưng, có chủ quyền và độc lập”.

Iran khẳng định không theo đuổi vũ khí hạt nhân

Ngày 17/2, lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình nhằm gìn giữ nền độc lập của đất nước, trong bối cảnh Tehran và các cường quốc đang đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Israel sắp dỡ bỏ quy định về Thẻ Xanh

Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 17/2 cho biết nước này sẽ không gia hạn quy định áp dụng hệ thống Thẻ Xanh COVID-19 sau ngày 1/3 tới, trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân và các ca nặng đang giảm mạnh.

Theo Thủ tướng Bennett, yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 để có thể tới một số địa điểm sẽ sớm được bãi bỏ. Ông cũng kêu gọi thu hồi thêm các quy định hạn chế để mở cửa đất nước hơn nữa, cho phép các gia đình sum họp tại Israel nhân dịp lễ Quá hải (Passover, kỷ niệm sự kiện người Do Thái rời Ai Cập trở về Israel).

greenpass-israel(1).jpg
Israel sắp dỡ bỏ quy định về Thẻ Xanh

Australia cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi

Cơ quan quản lý dược phẩm của Australia (TGA) ngày 17/2 thông báo đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna, mang tên SPIKEVAX, cho trẻ từ 6-11 tuổi.

Thông báo của TGA nêu rõ: "Cũng như các nhóm tuổi khác, việc sử dụng vaccine này cho trẻ từ 6-11 tuổi sẽ được thực hiện với quy trình tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 28 ngày". Tuy nhiên, mỗi mũi tiêm sẽ sử dụng lượng ít hơn là 0,25ml cho trẻ từ 6-11 tuổi, so với 0,5ml sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.

Trung Quốc thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine protein tái tổ hợp

Viện Lý sinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ngày 17/2 cho biết vaccine ngừa COVID-19 dạng tái tổ hợp mang tên V-01, do viện này phối hợp với Tập đoàn Dược phẩm Livzon (LivzonBio) ở tỉnh Quảng Đông bào chế, đã chứng tỏ hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron trong cuộc thử nghiệm lâm sàng với mũi tăng cường tại Pakistan và Malaysia.

Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ở những người đã tiêm mũi tăng cường là 6,73%, trong khi con số này ở nhóm tiêm giả dược là 12,8%. LivzonBio khẳng định hiệu quả của vaccine sau khi tiêm mũi tăng cường là 61,35%, đáp ứng và vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Canada phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Novavax Inc.

Bộ Y tế Canada ngày 17/2 đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 Nuvaxocid do hãng Novavax Inc. của Mỹ sản xuất. Đây là loại vaccine thứ 5 (ngoài AstraZeneca Vaxzevria, Moderna Spikevax, Pfizer-BioNTech Comirnaty, Janssen) được bổ sung vào "kho vũ khí" chống đại dịch của Canada và được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng ở những người vẫn còn do dự.

Nam Phi không có kế hoạch mua thuốc điều trị COVID-19 của Merck do chi phí cao

Chính phủ Nam Phi ngày 17/2 cho biết không có kế hoạch mua thuốc điều trị COVID-19 dạng viên Molnupiravir của hãng Merck vì lý do giá cả.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế (SAHPRA) của nước này đã phê chuẩn sử dụng thuốc trên cho người từ 18 tuổi.

Tổng thống Thụy Sĩ mắc COVID-19

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 17/1 thông báo Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ignazio Cassis đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Cassis không có bất kỳ triệu chứng nào và đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt. Nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục làm việc ở nhà cho đến ngày 20/2.

Hong Kong (Trung Quốc) triển khai kế hoạch xét nghiệm bắt buộc toàn dân

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền đặc khu đã quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc 3 lần đối với toàn bộ 7,5 triệu dân kể từ đầu tháng 3.

Tăng nguy cơ rối loạn tâm thần ở người mắc COVID-19

Nghiên cứu mới cho thấy xuất hiện nguy cơ bất ổn sức khỏe tâm thần ở những người mắc COVID-19. Đây là kết quả từ công trình nghiên cứu được công bố trên tạp trí y khoa BMJ hôm 16/2, dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát của gần 154.000 bệnh nhân mắc COVID-19, có so sánh trạng thái của người bệnh trong khoảng thời gian một năm từ khi khỏi bệnh với nhóm đối tượng chưa từng mắc COVID-19. Đối tượng khảo sát được lựa chọn là bệnh nhân COVID-19 mà hai năm trước khi nhiễm chưa có bất kỳ biểu hiện bất ổn nào về sức khỏe tâm thần hay phải trải qua quá trình điều trị chứng rối loạn tâm thần.

021722-covid-tam-than.jpg
Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Viejo, California, Mỹ. Ảnh: NYT

Hong Kong (Trung Quốc) nới lỏng điều kiện xuất viện đối với bệnh nhân COVID-19

Nhằm đẩy nhanh tiến độ luân chuyển giường bệnh, từ ngày 17/2, các bệnh nhân COVID-19 tại Hong Kong (Trung Quốc) có thể được xuất viện khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 sau 7 ngày kể từ khi được chẩn đoán, tiếp tục cách ly tại nhà và làm xét nghiệm sau đó 7 ngày.

Bệnh nhân tại các cơ sở cách ly cộng đồng có thể về nhà khi có kết quả âm tính sau 7 ngày kể từ khi được chẩn đoán và phải làm xét nghiệm sau 14 ngày. Đối với những bệnh nhân đang chờ được đưa đi cách ly, nếu sau 14 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được coi là không còn nguy cơ lây nhiễm và có thể được tự do đi lại.

Bồ Đào Nha dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch        

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang có xu hướng giảm dần, Bồ Đào Nga ngày 17/2 thông báo dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng dịch còn lại, trong đó có yêu cầu trình giấy thông hành COVID-19 để được lưu trú tại khách sạn hay phải có xét nghiệm âm tính mới được đến các câu lạc bộ giải trí ban đêm.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 6 ở Nhật Bản có xu hướng lắng dịu

Làn sóng lây nhiễm thứ 6 của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nhật Bản đang trong đà lắng dịu dần sau khi đã chạm đỉnh vào đầu tháng 2/2022. Đây là nhận định của chuyên gia Takaji Wakita, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) kiêm Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW).

Indonesia mở rộng các dịch vụ y tế từ xa

Bộ Y tế Indonesia cho biết sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ y tế từ xa miễn phí dành cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali đông dân kể từ ngày 19/2 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/2, ông Setiaji, Giám đốc Văn phòng chuyển đổi số thuộc Bộ Y tế Indonesia, cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh tại các đảo Sumatra, Kalimantan và Sulawesi.

Thủ đô mới của Indonesia sẽ có quy chế vùng tự trị

Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Muhammad Tito Karnavian cho biết Nusantara - thủ đô mới của nước này - sẽ được quản lý như một khu tự trị nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phát triển tương lai.

Trong tuyên bố ngày 16/2, Bộ trưởng Karnavian cho biết Điều 18B Hiến pháp Indonesia cho phép thiết lập các chính quyền hành chính tự trị. Do đó, quyết định chỉ định Nusantara là thành phố thủ đô tự trị có đầy đủ cơ sở Hiến pháp.

Ấn Độ: Phát hiện túi đồ chứa chất nổ ở vùng thủ đô Delhi

Truyền thông Ấn Độ đưa tin cảnh sát nước này ngày 17/2 đã phát hiện một túi đồ chứa chất nổ tại vùng thủ đô Delhi.

Theo kênh truyền hình NDTV, chiếc túi được bỏ lại trong một ngôi nhà hoang. Lực lượng đặc nhiệm rà phá bom mìn và cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt tại ngôi nhà này sau khi cảnh sát xâm nhập ngôi nhà này trong quá trình điều tra.

Anh tuyên bố kết thúc chương trình huấn luyện quân sự ở Ukraine

Ngày 17/2, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey cho biết nước này đã hoàn tất hoạt động huấn luyện quân sự ở Ukraine và chỉ duy trì các binh sĩ Anh ở nước này với mục đích bảo vệ Đại sứ Anh ở Ukraine.

Tàu chở 4.000 siêu xe bốc cháy giữa biển

Tàu Felicity Ace dài gần 200m đang chở 4.000 ô tô hạng sang đến Mỹ thì phát tín hiệu báo nguy vì xảy ra hỏa hoạn. Theo đài RT, sau khi phát tín hiệu ngày 16/2, 22 thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu.

Hơn 400.000 ô tô điện Tesla bị điều tra vì sự cố phanh

Cơ quan An toàn Giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra 416.000 ô tô điện Tesla sau khi có báo cáo về tình trạng một số xe hơi tự phanh gấp, hay còn gọi là vấn đề “phanh ảo” - tình trạng giảm tốc đột ngột khi đang di chuyển ở tốc độ cao tốc. NTTSA đã nhận được 354 đơn khiếu nại liên quan đến vấn đề về phanh trên những chiếc Tesla Model 3 và Model Y 2021-2022 trong vòng 9 tháng qua và sẽ tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về những chiếc xe này.

Bão Ylenia đổ bộ vào nước Đức

Theo tin AFP, cơn bão lớn Ylenia đã quét qua nước Đức vào rạng sáng 17/2. Gió mạnh do bão Ylena tạo ra đã được cảm nhận tại Brocken, điểm cao nhất ở cao nguyên Harz, miền Trung nước Đức với sức gió lên đến 152 km/giờ. Do ảnh hưởng của bão, các chuyến tàu đường dài đã bị tạm dừng trên khắp miền Bắc, bao gồm các chuyến tàu ở các thành phố Hamburg, Berlin và Bremen sớm nhất là đến trưa cùng ngày.

Nguy cơ mực nước biển ở Mỹ dâng cao trong 30 năm tới

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo mực nước biển ở Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 30 cm trong vòng 30 năm tới do biến đổi khí hậu, tương đương với mức tăng trong thế kỷ trước.

Theo báo cáo nghiên cứu được soạn thảo với sự hợp tác của một số cơ quan liên bang Mỹ, NOAA dự báo đến năm 2050, mực nước biển dọc theo đường bờ biển của Mỹ sẽ tăng trung bình từ 25-30 cm. Mực nước biển sẽ có xu hướng dâng cao hơn dọc bờ biển phía Đại Tây Dương và vùng Vịnh Mexico do mức độ sụt lún đất ở khu vực này cao hơn so với dọc bờ biển bên phía Thái Bình Dương.

Australia đóng cửa các bãi biển ở Sydney sau khi cá mập tấn công gây chết người

Toàn bộ 13 bãi biển ở thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales (Australia), đã được lệnh đóng cửa trong ngày 17/2, sau khi thành phố lớn nhất cả nước này ghi nhận vụ cá mập tấn công gây chết người đầu tiên trong gần 60 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 18/2: Nga bác tin đồn có thể tấn công Ukraine sau ngày 20/2