Tin vắn thế giới ngày 15/4: Indonesia kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hội nhập pháp lý

Bạch Dương| 15/04/2021 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Indonesia kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hội nhập pháp lý; Các nhà khoa học tìm cách lý giải nguyên nhân khiến vaccine COVID-19 gây đông máu; EU hướng tới sử dụng 'hộ chiếu vaccine' để mở cửa du lịch hè 2021… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Indonesia kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hội nhập pháp lý

Ngày 14/4, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia, ông Yasonna Laoly đã kêu gọi các thành viên ASEAN tăng cường hội nhập pháp lý nhằm nâng cao ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế.

Theo ông Yasonna Laoly, hội nhập pháp lý ASEAN đồng nghĩa với việc các quốc gia thành viên cần hài hòa hóa các luật và quy định trong nước của mình, từ đó giúp củng cố hệ thống và pháp quyền trong toàn khu vực. Bộ trưởng Laoly cho rằng, việc hội nhập các công cụ pháp lý của các nước thành viên ASEAN đặt ra các thách thức riêng do sự khác biệt trong hệ thống luật pháp và thông lệ ở mỗi nước khi áp dụng luật quốc tế.

indonesia-yasonna-laoly-asean-15421.jpeg
Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia, ông Yasonna Laoly. Ảnh: indonesiaexpat.id

Thanh sát viên IAEA tới nhà máy hạt nhân Natanz của Iran

Theo thông báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 14/4, các thanh sát viên của cơ quan này đang tiếp tục công tác xác minh và giám sát tại Iran, trong đó nhóm đã đến Natanz trong ngày 14/4. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo về những diễn biến liên quan chương trình hạt nhân Iran lên Hội đồng thống đốc IAEA, gồm đại diện của 35 quốc gia. Tuy nhiên, thông báo của IAEA không đề cập đến mức độ hư hại tại nhà máy Natanz sau vụ nổ mới đây.

Châu Âu quan ngại về việc Iran nâng mức làm giàu urani

Ngày 14/4, các nước châu Âu ra thông báo chung bày tỏ "cực kỳ quan ngại" về việc Iran nâng mức làm giàu urani lên 60%.

Trong thông báo chung, Anh, Pháp và Đức cho rằng động thái mới của Tehran là "đặc biệt đáng tiếc" giữa lúc các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vừa được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo), trong đó có sự tham gia gián tiếp của Mỹ. Thông báo có đoạn nêu rõ đây là một diễn biến nghiêm trọng vì việc sản xuất urani được làm giàu ở mức độ cao là một bước quan trọng trong sản xuất vũ khí hạt nhân.

“Kiến trúc sư” thỏa thuận hạt nhân Iran thành nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại giao Mỹ

Thượng viện Mỹ ngày 13/4 (giờ địa phương) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề cử bà Wendy Sherman vào vị trí Thứ trưởng Ngoại giao, người quyền lực thứ hai tại Bộ Ngoại giao Mỹ sau ông Antony Blinken.

Bà Wendy Sherman từng là trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran, ký kết hồi năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp và Đức nhóm họp về Afghanistan

Ngày 14/4, ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức nhóm họp tại Brussels (Bỉ), trao đổi về vấn đề Afghanistan sau khi Mỹ thông báo rút toàn bộ quân đội khỏi quốc gia Nam Á này từ ngày 11/9 tới.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức cho biết: "Trọng tâm chính của cuộc gặp là về Afghanistan. Các vấn đề khác cũng sẽ được thảo luận gồm các diễn biến tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, cũng như thỏa thuận hạt nhân với Iran".

Đệ nhất phu nhân Jill Biden trải qua ca can thiệp y tế

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden sáng ngày 14/4 (giờ địa phương) đi cùng vợ tới phòng khám. Việc thăm khám bác sĩ này được thực hiện theo lịch đặt trước và Đệ nhất phu nhân Jill Bidens trải qua một quy trình can thiệp y tế thông thường (common medical procedure).

Nhà Trắng không cho biết chi tiết về loại can thiệp y tế thông thường mà bà Jill Biden trải qua là gì.

IEA: Tình trạng thừa cung dầu mỏ đang chấm dứt

Ngày 14/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tình trạng tràn ngập dầu mỏ trên thị trường thế giới đang chấm dứt nhờ nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi từ đại dịch COVID-19 và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, giảm sản lượng khai thác.

Sudan mời Ethiopia, Ai Cập họp thượng đỉnh về đập thủy điện Đại Phục hưng

Thủ tướng Sudan đã mời những người đồng cấp Ai Cập và Ethiopia tham dự cuộc họp kín để thảo luận về tranh chấp kéo dài liên quan đến dự án xây dựng đập thủy điện mang tên Đại Phục hưng (GERD) trên nhánh sông Nile Xanh của Ethiopia.

Đức: NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan từ tháng 9/2021

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 14/4 cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ cùng với Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào tháng 9 tới.

EU hướng tới sử dụng 'hộ chiếu vaccine' để mở cửa du lịch hè 2021

Reuters dẫn 2 nguồn tin ngoại giao cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/4 đã nhất trí chính thức triển khai sáng kiến hộ chiếu vaccine để hướng tới mở cửa trở lại ngành du lịch vào mùa hè năm 2021.

Theo sáng kiến "hộ chiếu vaccine" được công bố trước đó, những người có giấy chứng nhận đã tiêm chủng, từng phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có các kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được phép đi lại dễ dàng giữa các nước thành viên EU. Các nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trong hơn 1 năm qua.

Lý giải nguyên nhân khiến vaccine COVID-19 gây đông máu

Các nhà khoa học tìm cách lý giải tại sao vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson và AstraZeneca lại gây đông máu, dù rất hiếm gặp.

Tới nay, các ca đông máu sau tiêm vaccine là cực kỳ hiếm. Ở Anh, nguy cơ đông máu xảy ra sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson tới nay chỉ là 1/1 triệu, còn nguy cơ sau khi tiêm vaccine AstraZeneca là gần 1/250.000. Cả hai loại vaccine COVID-19 nói trên đều dùng một công nghệ bào chế, khác với vaccine mRNA của Pfizer và Moderna.

vaccine14321.jpg
Chuẩn bị liều vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: Bloomberg

EU điều chỉnh chiến lược tiêm phòng sau sự cố với vaccine Johnson & Johnson

Ngày 14/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo EU sẽ thúc đẩy việc bàn giao vaccine của Pfizer/BioNtech để bù vào lượng vaccine của Johnson & Johnson (J&J) bị hoãn bàn giao. Động thái này cũng nhằm đảm bảo những nhu cầu vaccine trong dài hạn nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biến thể.

Anh mở rộng nghiên cứu sử dụng kết hợp các loại vaccine

Đại học Oxford của Anh đã quyết định mở rộng nghiên cứu trong việc sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 để đánh giá việc pha trộn vaccine này có an toàn và giúp kéo dài thời gian miễn dịch ở người được tiêm chủng hay không.

Tháng 2/2021, nhóm các nhà nghiên cứu vaccine của Đại học Oxford đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu mang tên Com-Cov, theo đó các tình nguyện viên sẽ được tiêm chủng mũi thứ nhất và thứ hai bằng 2 loại vaccine khác nhau là Oxford/AstraZeneca và Pfizer. Giờ đây, các nhà nghiên cứu sẽ đưa thêm vaccine của Moderna và Novavax vào chương trình thử nghiệm này.

Canada ghi nhận trường hợp đông máu đầu tiên sau tiêm vaccine của AstraZeneca

Ngày 13/4, Bộ Y tế Canada đã ghi nhận trường hợp đông máu đầu tiên sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Theo Bộ Y tế, người này đã được tiêm bằng vaccine sản xuất tại Viện Serum của Ấn Độ. Bệnh nhân đã về nhà và đang trong quá trình phục hồi.

Nam Phi không phát hiện nguy cơ từ vaccine của Johnson & Johnson

Ngày 14/4, Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi (SAHPRA) cho biết đã không phát hiện nguy cơ lớn nào, sau khi xem xét dữ liệu về quá trình nghiên cứu vaccine của Johnson & Johnson đối với các nhân viên y tế địa phương đã được tiêm phòng.

Chuyên gia cảnh báo Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4

Ngày 14/4, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Shigeru Omi cảnh báo Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các biến thể có khả năng lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở một số khu vực của nước này.

Tây Ban Nha gia hạn các biện pháp bảo vệ người phải đi thuê nhà

Ngày 14/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sẽ gia hạn hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ những người phải đi thuê nhà - nhóm đối tượng được cho là dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tác động nặng nề cho nền kinh tế. Các biện pháp này sẽ được kéo dài thêm 3 tháng.

Ấn Độ hoãn và hủy các kỳ thi cấp trung học

Ngày 14/4, Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ hủy bỏ kỳ thi lớp 10 và hoãn kỳ thi lớp 12 do số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục Ấn Độ, kỳ thi lớp 10 dự kiến diễn ra từ ngày 4/5 đến 14/6 sẽ được hủy bỏ, còn kết quả sẽ được xếp theo tiêu chí do bộ đề ra. Trong khi đó, kỳ thi lớp 12 cũng diễn ra thời gian trên sẽ được hoãn lại và tổ chức sau.

Thành phố Matsuyama của Nhật Bản hủy lễ rước đuốc Olympic

Ngày 14/4, chính quyền thành phố Matsuyama, miền Tây Nhật Bản, đã quyết định hủy lễ rước đuốc Olympic Tokyo trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng nhanh.

Người dân châu Âu trông đợi đồng euro kỹ thuật số

Người dân khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mong đợi đồng euro kỹ thuật số được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề xuất sẽ đảm bảo tính riêng tư, an toàn và rẻ. Đây là kết quả cuộc khảo sát do ECB công bố ngày 14/4. Hiện ECB đang nỗ lực để tạo ra một đồng tiền điện tử, bổ sung cho tiền giấy và tiền xu nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh từ các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Tether và Diem của Facebook.

Ireland điều tra vụ Facebook làm rò rỉ dữ liệu người dùng

Ủy bao bảo vệ dữ liệu của Ireland ngày 14/4 thông báo đã chính thức tiến hành điều tra Facebook sau khi dữ liệu của 533 triệu người dùng mạng xã hội này bị rò rỉ trên một trang mạng của tin tặc.

Thông báo của ủy ban trên cho biết cuộc điều tra nhằm xác định liệu Facebook có vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cũng như luật pháp của Ireland hay không. Theo đó, cơ quan chức năng đang liên lạc thường xuyên với Facebook. Đại diện mạng xã hội cũng khẳng định đang hợp tác trong công tác điều tra.

Mexico: Bắt 30 binh sĩ nghi liên quan đến các vụ mất tích từ năm 2014

Nhà chức trách Mexico ngày 13/4 thông báo đã bắt giữ 30 binh sĩ thuộc Bộ Hải quân nước này do bị tình nghi liên quan đến các vụ mất tích của nhiều người dân vào năm 2014 tại thành phố Nuevo Laredo thuộc bang Tamaulipas, miền Bắc Mexico và giáp giới Mỹ.

Tấn công rocket nhằm vào sân bay ở Iraq

Truyền thông Trung Đông ngày 14/4 đưa tin một quả rocket đã rơi gần căn cứ của Mỹ tại sân bay Erbil ở miền Bắc Iraq, song hiện chưa có báo cáo về thương vong. Hiện chưa có nhóm nào nhận thực hiện vụ tấn công này.

Lật tàu tại Mỹ khiến 12 người mất tích

6 người đã được cứu và 12 người mất tích ở ngoài khơi bờ biển bang Louisiana (Mỹ) ngày 14/4 sau khi một tàu thương mại bị lật ở vùng Vịnh Mexico, gần cảng Fourchon, trong một trận bão lớn.

Theo USC, đây là một loại tàu trục hàng dài 39,3 mét. Vụ việc xảy ra khi xuất hiện một trận bão lớn bất ngờ trong khu vực, gây nguy hiểm cho tàu bè ở vùng Vịnh Mexico.

Tai nạn giao thông đường bộ ở Ai Cập khiến 20 người thiệt mạng

Ngày 14/4, tại miền Nam Ai Cập đã xảy ra vụ va chạm giữa xe buýt và xe ô tô tải chở sản phẩm xăng dầu khiến 20 người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin an ninh và y tế Ai Cập, tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi tới Biển Đỏ, cách phía Đông thành phố Asyut 100 km. Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định.

Động đất ở tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia

Ngày 14/4, một trận động đất có độ lớn 5,6 đã xảy ra ngoài khơi, cách huyện Tây Nias thuộc tỉnh Bắc Sumatra khoảng 140 km về phía Tây Nam.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết trận động đất trên diễn ra vào lúc 17h55 (giờ địa phương) ở độ sâu 10 km song không có khả năng gây ra sóng thần. Hiện vẫn chưa có các báo cáo về thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 15/4: Indonesia kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hội nhập pháp lý