Tin vắn thế giới ngày 12/11: EMA phê duyệt hai phương pháp điều trị kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2

Bạch Dương| 12/11/2021 07:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết mang tính lịch sử; Mỹ-Hàn chuẩn bị hoàn tất tham vấn về tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên; EMA phê duyệt hai phương pháp điều trị kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết mang tính lịch sử

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh đã bế mạc và thông qua một Nghị quyết bước ngoặt về những thành tựu nổi bật và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm nỗ lực của CPC.

Theo thông cáo chung của hội nghị, Nghị quyết đã được hội nghị xem xét, đánh giá và nhất trí thông qua. Nhật báo China Daily cho biết, nghị quyết nói trên đã đúc kết kinh nghiệm lịch sử và vạch ra con đường cho tương lai.

trungquoc-nghiquyet.jpg
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Khai mạc Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC

Vào lúc 19h00 (theo giờ Việt Nam) ngày 11/11, Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Với chủ đề “Con người, Trái Đất và Sự thịnh vượng”, đây là một trong những hoạt động chính trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 28.

Lãnh đạo Mỹ - Trung lên kế hoạch họp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 15/11

Reuters ngày 11/11 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến vào ngày 15/11 tới.

Kế hoạch gặp trực tuyến nói trên đã được nhất chí về mặt nguyên tắc hồi tháng trước trong các cuộc hội đàm ở Zurich (Thụy Sĩ) giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Dự kiến, ông Tập Cận Bình có thể sẽ mời ông Biden tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022.

Mỹ - Nhật củng cố quan hệ đồng minh

Ngày 11/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí với Đô đốc John Aquilino - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - về sự cấp thiết củng cố quan hệ đồng minh và hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mỹ-Hàn chuẩn bị hoàn tất tham vấn về tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên

Ngày 11/11, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết tiến trình tham vấn giữa Seoul và Washington về tuyên bố chính thức khép lại Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đang ở những giai đoạn cuối cùng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc thừa nhận rằng việc thông qua tuyên bố này sẽ mất nhiều thời gian vì đây không phải vấn đề có thể giải quyết chỉ nhờ vào thỏa thuận của Mỹ và Hàn Quốc.

Cựu Tổng thống Nam Phi FW de Klerk qua đời

Ngày 11/11, Quỹ FW de Klerk Foundation thông báo, cựu Tổng thống Nam Phi FW de Klerk, nhà lãnh đạo cuối cùng của Nam Phi trong thời Aparthei, đã qua đời ở tuổi 85, tại tư gia vào sáng cùng ngày sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Ông từng nhận giải Nobel Hòa bình cùng cố Tổng thống Nelson Mandela, tôn vinh những nỗ lực đấu tranh cho hòa bình và thiết lập nền dân chủ tại Nam Phi.

Bộ 3+ nhóm họp tại Pakistan về tình hình Afghanistan

Ngày 11/11, các nhà ngoại giao nhóm "Bộ 3+" gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pakistan đã tiến hành cuộc họp tại thủ đô Islamabad của Pakistan thảo luận về tình hình Afghanistan.

Điểm đáng chú ý trong cuộc họp của nhóm "Bộ 3+" này là có sự tham gia của tân đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, ông Thomas West. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông West đến khu vực này kể từ khi nhậm chức.

Vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ được đánh giá có 'hiệu quả cao'

Đánh giá của tạp chí y khoa có uy tín hàng đầu thế giới The Lancet ngày 11/11 cho rằng Covaxin, vaccine chống COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Ấn Độ, "có hiệu quả cao và chưa có biểu hiện đáng lo ngại về mặt an toàn".

Covaxin đã chính thức được WHO đưa vào danh sách các vaccine được phép sản xuất và sử dụng chống COVID-19, cùng với các vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac sản xuất.

Moderna xin cấp phép tiêm mũi vaccine tăng cường tại Nhật Bản

Đài truyền hình NHK ngày 11/11 đưa tin hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Y tế Nhật Bản xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này làm liều tăng cường.

Nếu được chấp thuận, vaccine của hãng Moderna sẽ trở thành vaccine thứ hai được cấp phép sử dụng làm liều tăng cường ở Nhật Bản.

Hãng Moderna đề xuất giá vaccine ưu đãi cho châu Phi

Người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (ACDC), ông John Nkengasong ngày 11/11 cho biết hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã đề xuất bán vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho Liên minh châu Phi (AU) với giá 7 USD/liều.

Mức giá trên bằng một nửa giá bán mà Mỹ phải trả cho mỗi liều vaccine của Moderna hồi đầu năm nay. Đây cũng là mức giảm giá đáng kể so với mức giá mà nhiều nước khác được hưởng, kể cả EU.

EMA phê duyệt hai phương pháp điều trị kháng thể chống lại coronavirus

Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 11/11 cho biết lần đầu tiên phê duyệt việc triển khai tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng chống lại coronavirus.

Theo đó, EMA đã chấp thuận việc sử dụng phương pháp điều trị từ công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche, Ronapreve và từ công ty Hàn Quốc Celltrion, regdanvimab (Regkirona). Ronapreve và Regkirona là những loại thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được ý kiến tích cực về khả năng chống lại COVID-19.

rekirona-12112021.jpg
Thuốc Rekirona điều trị COVID-19 được sản xuất bởi Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Hàn Quốc Celltrion Inc.

Australia thu hồi hơn 2 triệu bộ xét nghiệm

Công ty công nghệ y tế Ellume của Australia đã thu hồi hơn 2 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà đã được vận chuyển sang Mỹ sau khi phát hiện tỷ lệ dương tính giả gia tăng.

Thủ đô của Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 11/11 đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới sau khi giới chức y tế địa phương xác nhận 6 ca mắc mới COVID-19 tại các quận trung tâm là Triều Dương và Hải Điện.

Giới chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh những người tham gia các hội nghị trực tiếp sẽ được quản lý trong một "vòng tròn khép kín", nghĩa là họ không nên rời địa điểm tổ chức sự kiện để đến những nơi tập trung đông người khác và cần tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Nga chuẩn bị áp dụng quy định mới chống dịch COVID-19

Phát biểu với báo giới ngày 11/11, Uỷ ban điều phối cuộc chiến chống COVID-19 của Nga cho biết Uỷ ban này đang làm việc với các bộ ngành liên quan để soạn thảo dự luật quy định việc bắt buộc sử dụng mã QR ở các quán cà phê, phương tiện giao thông công cộng và cửa hàng. Dự kiến bộ luật này sẽ có hiệu lực cho tới tháng 6/2022.

Đức cân nhắc siết chặt phòng dịch

Ngày 11/11, trong bài phát biểu trước Hạ viện về các đề xuất biện pháp mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết Đức cần siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và vượt qua dịch bệnh vào mùa Đông này.

Chuyên gia khuyến nghị phong tỏa một phần Hà Lan

Dự kiến chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp mới vào ngày 12/11 sau khi nhận được khuyến nghị của các chuyên gia trong Nhóm Quản lý dịch bệnh. Trong số các biện pháp được cân nhắc lần này có việc hủy các sự kiện, đóng cửa nhà hát và rạp chiếu phim, điều chỉnh thời gian đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê.

Israel diễn tập ứng phó dịch bệnh ở quy mô quốc gia

Ngày 11/11, Israel đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô quốc gia, do đích thân Thủ tướng Naftali Bennett chỉ đạo, nhằm kiểm tra khả năng ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19, do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Malaysia lên kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế

Malaysia sẽ mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài muộn nhất là vào ngày 1/1/2022. Đây là thông tin mới được Hội đồng Cố vấn chương trình hồi phục kinh tế cho Chính phủ Malaysia đưa ra ngày 11/11.

Indonesia tăng án phạt đối với cựu Bộ trưởng Biển và Nghề cá

Ngày 11/11, một tòa án cấp cao của Indonesia đã tăng mức án đối với cựu Bộ trưởng Biển và Nghề cá (KKP) Edhy Prabowo từ 5 năm lên 9 năm tù do hành vi tham nhũng liên quan đến việc giấy phép xuất khẩu tôm hùm giống.

Tòa án cũng buộc ông Edhy phải nộp phạt 400 triệu Rupiah (28.000 USD) nếu không sẽ bị phạt bổ sung 6 tháng tù. Ngoài ra, cựu Phó chủ tịch Đảng Gerindra còn phải bồi thường hơn 9,6 tỷ Rupiah và 77.000 USD trong vòng một tháng sau phán quyết cuối cùng, bằng không sẽ bị tịch thu tài sản đem bán đấu giá và chịu thêm 3 năm tù nếu không hoàn thành nghĩa vụ. Mặt khác, ông Edhy còn bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.

Người dân một thành phố của Mỹ được bồi thường hơn 600 triệu USD

Ngày 10/11, một thẩm phán liên bang ở Mỹ đã quyết định trao 626 triệu USD tiền bồi thường của chính quyền bang Michigan và các đơn vị liên quan cho người dân thành phố Flint, những người đã bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt cách đây vài năm.

Mỹ kêu gọi các công dân rời khỏi Haiti ngay vì bạo lực gia tăng

Nhà Trắng ngày 11/11 đã kêu gọi các công dân Mỹ rời khỏi Haiti khi quốc đảo vùng Caribe này đang phải đối mặt với bạo lực của các băng nhóm gia tăng, tình trạng thiếu nhiên liệu cũng như bất ổn chính trị.

Belarus sẵn sàng thảo luận vấn đề hồi hương người tị nạn với EU và LHQ

Ngày 11/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cho biết nước này sẵn sàng thảo luận vấn đề hồi hương người tị nạn với các đối tác quốc tế.

Cũng trong ngày 11/11, đại diện của đảng Dân chủ người Kurd (KDP), ông Xosawi Bebekir cho biết khu vực tự trị Kurdistan ở Iraq và chính quyền Baghdad đang thảo luận khả năng triển khai một máy bay tới Belarus để đón công dân.

Mozambique triển khai lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, bắt cóc

Ngày 11/11, Mozambique đã triển khai một lực lượng đặc biệt gồm binh sĩ và cảnh sát tinh nhuệ nhằm chống lại phiến quân có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Cabo Delgado ở miền Bắc quốc gia nằm ở Đông Nam châu Phi này.

OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021

Ngày 11/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021, do sự giảm mạnh ở các nước tiêu thụ chính như Trung Quốc và Ấn Độ và tác động của giá năng lượng tăng cao.

Trong báo cáo hằng tháng, OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu toàn cầu khoảng 160.000 thùng dầu/ngày, còn 96,4 triệu thùng/ngày.

Indonesia và Anh thúc đẩy hợp tác kinh tế chiến lược

Ngày 11/11, Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và người đồng cấp Retno Marsudi tại Cung điện Merdeka ở thủ đô Jakarta của Indonesia nhằm thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế chiến lược giữa hai nước và hợp tác đa phương nhân chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á này.

Belarus cảnh báo ngừng vận chuyển khí đốt đến châu Âu

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko ngày 11/11 cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe nếu Liên minh châu Âu (EU) mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk.

Nhiều đường dây nóng tại Đức bị gián đoạn không rõ nguyên nhân

Sáng 11/11 (giờ địa phương), hàng loạt đường dây điện thoại dịch vụ khẩn cấp của Đức đã bị gián đoạn không rõ nguyên nhân trước khi được khôi phục hơn 1 giờ sau đó.

Theo Văn phòng giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ dân sự liên bang Đức (BBK), đường dây dịch vụ khẩn cấp 112 và 110 kết nối với lực lượng cảnh sát, phòng cháy chữa cháy và cấp cứu đã bị gián đoạn. Một số bang như Baden-Wuerttemberg, Saxony-Anhalt và các thành phố lớn gồm Berlin, Hamburg, Frankfurt và Cologne đã bị ảnh hưởng.

Tỷ phú Elon Musk bán 5 tỷ USD cổ phiếu Tesla

Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla, tỷ phú Elon Musk, đã bán 5 tỷ USD cổ phiếu Tesla chỉ vài ngày sau khi thực hiện cuộc thăm dò trên Twitter về việc bán 10% lượng cổ phiếu Tesla do ông nắm giữ. Đây là lần đầu tiên ông chủ Tesla bán cổ phiếu công ty kể từ năm 2016.

Nắng nóng cực đoan làm gia tăng số ca tử vong tại các cộng đồng ở vùng rừng nhiệt đới

Sự sống gần các khu rừng nhiệt đới đang thay đổi nhanh chóng khi số ca tử vong ngày càng gia tăng và thời gian con người có thể làm việc ngoài trời ngày càng giảm do tình trạng nắng nóng cực đoan.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận như vậy trên tạp chí Lancet Planetary Health ngày 11/11, đồng thời cho rằng hành động phá rừng và biến đổi khí hậu sẽ chỉ càng gây ra những hậu quả tồi tệ hơn.

Hàn Quốc áp đặt 'Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp' với dung dịch xử lý khí thải

Ngày 11/11, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ban hành "Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp". Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu urê và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel vào trong nước để bán hoặc sản xuất cần khai báo các thông tin liên quan như số lượng nhập, số lượng sử dụng, lượng bán và tồn kho hàng ngày vào trước 12 giờ trưa ngày hôm sau.

Dự án khoan đáy đại dương để tìm cách cứu thềm băng Nam Cực

Các nhà khoa học New Zealand đang xúc tiến dự án khoan sâu khoảng 1 km vào đáy biển bên dưới thềm băng Ross lớn nhất của Nam Cực để nghiên cứu xem việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu có giúp tránh được thảm họa tan băng tại khu vực này hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 12/11: EMA phê duyệt hai phương pháp điều trị kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2