Tin vắn thế giới ngày 10/9: Trung Quốc viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển

Bạch Dương| 10/09/2021 07:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển; Moderna đang điều chế liều vaccine phòng cả COVID-19 và cúm; Anh cảnh báo sẽ không kích nếu Taliban không kiềm chế các nhóm khủng bố… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Trung Quốc viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển

Ngày 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong năm nay, nước này sẽ viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển.

Theo Tân Hoa xã, cam kết trên được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) theo hình thức trực tuyến.

xijinping.jpeg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) theo hình thức trực tuyến

Hãng dược Trung Quốc thử nghiệm vaccine với trẻ em tại Nam Phi

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu giai đoạn 3 trên phạm vi toàn cầu, hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine CoronaVac ngừa COVID-19 của hãng với trẻ em và thanh thiếu niên ở Nam Phi.

Trong một tuyên bố ngày 9/9, hãng Sinovac Biotech và đối tác ở Nam Phi là Numolux Group cho biết thử nghiệm này sẽ đánh giá tính hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch cũng như độ an toàn của vaccine CoronaVac đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 tháng đến 17 tuổi. Tham gia thử nghiệm trên toàn cầu này sẽ có 14.000 người ở các nước gồm Chile, Philippines, Malaysia, Kenya, trong đó có 2.000 người ở Nam Phi.

Moderna đang điều chế liều vaccine phòng cả COVID-19 và cúm

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 9/9 cho biết hãng này đang phát triển một loại vaccine đơn liều có thể dùng làm mũi tăng cường phòng cả COVID-19 và cúm cùng lúc.

Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Stephane Bancel của Moderna cho hay: “Ưu tiên số một của chúng tôi hiện nay là đưa ra thị trường một loại vaccine tăng cường đường hô hấp dùng hàng năm mà chúng tôi có thể thường xuyên điều chỉnh”.

Indonesia phạt người tự tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba

Ngày 9/9, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu chính quyền các địa phương áp dụng các hình phạt đối với những người bị phát hiện tự ý tiêm liều thứ ba vaccine COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết tất cả các hình thức giám sát liên quan đến quá trình tiêm chủng - cả liều một, liều hai và liều tăng cường - đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, huyện/thành phố. Nếu phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương có thể cùng cơ quan pháp luật áp các chế tài.

Thái Lan xúc tiến tiêm vaccine cho trẻ từ 3 tuổi

Bangkok Post ngày 9/9 đưa tin Tổng Thư ký FDA Paisarn Dankum thông báo công ty Biogenetech, đơn vị được FDA chấp thuận nhập khẩu vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), ngày 2/9 đã trình đề xuất hạ độ tuổi cho những người có thể tiêm vaccine của Sinopharm từ trên 18 tuổi xuống trên 3 tuổi.

Ông Paisarn cho biết một ủy ban của FDA đang xem xét đề xuất này và sẽ đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày tới. Công thức vaccine sẽ giống với công thức mà FDA đã phê duyệt trước đó.

New Zealand tăng cường mua vaccine

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa thông báo hơn 25% triệu liều vaccine bổ sung của Pfizer đaang được chuyển từ Tây Ban Nha đến New Zealand và dự kiến sẽ "cập bến" Auckland vào ngày 10/9 để có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến hiện nay.

Bà cho biết thêm lô vaccine chính phủ dự kiến sẽ thông báo thêm về một thỏa thuận mua bổ sung vaccine của Pfizer từ một quốc gia thứ hai vào tuần tới.

Chile nối lại tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên

Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Chile Paula Daza nêu rõ từ ngày 13-16/9 tới, tất cả trẻ vị thành niên từ 14-17 tuổi cũng như trẻ từ 6-11 tuổi có thể được tiêm chủng tại Trung tâm Cộng đồng chăm sóc sức khỏe gia đình (Cesfams). Ông nhấn mạnh Chile là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em, vì vậy "đây là tin tức quan trọng đối với việc bảo vệ trẻ em”.

WHO cảnh báo các biến thể mới đe dọa châu Phi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn do sự xuất hiện của các các biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt là biến thể Delta.

Biến thể Delta, một trong các nguyên nhân gây ra làn sóng thứ ba, đã được ghi nhận trong hơn 70% mẫu bệnh ở Botswana, Malawi cùng Nam Phi và trong hơn 90% mẫu bệnh ở Zimbabwe. Đến nay, biến thể Delta đã được phát hiện tại 31 quốc gia châu Phi, trong khi biến thể Alpha và Beta được phát hiện lần lượt tại 44 nước và 39 nước ở châu lục này.

bien-the-delta-23621.jpg

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu lo ngại về biến thể Mu

Ngày 9/9, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết biến thể Mu có thể là biến thể đáng lo ngại mặc dù đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể này có thể vượt biến thể Delta, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ra làn sóng COVID-19 hiện nay trên thế giới.

Thái Lan hy vọng đón du khách tới Bangkok vào tháng 10

Nhằm vực dậy ngành lữ hành đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, giới chức Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và những điểm đến chính cho du khách nước ngoài từ tháng 10 tới. Kế hoạch trên được đưa ra sau khi các số liệu cho thấy số ca nhiễm mới có thể đã đạt đỉnh.

Singapore nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người lao động nhập cư

Từ tuần tới, Singapore sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn ổ dịch COVID-19 tại đây.

Bộ Nhân lực Singapore ngày 9/9 đã đưa ra thông báo trên sau khi hơn 90% người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

19 tỉnh ở Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp

Theo đó, 19 địa phương, trong đó có Tokyo, Osaka sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay đến ngày 30/9, tỉnh Miyagi và tỉnh Okayama sẽ điều chỉnh từ tình trạng khẩn cấp xuống áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Hai tỉnh này sẽ cùng với các tỉnh Fukushima, Ishikawa, Kagawa, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima tiếp tục duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đến ngày 30/9, trong khi 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.

Campuchia kéo dài các biện pháp hạn chế tại thủ đô thêm 14 ngày

Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia vừa ra quyết định kéo dài các biện pháp hành chính và ngừng các hoạt động có rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao thêm 14 ngày, từ ngày 9/9-23/9 tới.

Các cơ sở giáo dục công và tư chưa được mở cửa trở lại; các hình thức kinh doanh câu lạc bộ như karaoke, quán bar, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc vẫn phải đóng cửa; khu sinh thái, bảo tàng, khu vui chơi, mát xa, xông hơi, phòng gym, trung tâm thể thao tiếp tục ngừng hoạt động và việc tụ tập đông người uống bia rượu bị cấm.

Anh cảnh báo sẽ không kích nếu Taliban không kiềm chế các nhóm khủng bố

Ngày 9/9, trong chuyến thăm căn cứ Waddington của Lực lượng Không quân hoàng gia Anh tại vùng Lincolnshire, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết số lượng những kẻ khủng bố tiềm năng có thể đã tăng lên trong 20 năm kể từ vụ tấn công 11/9 và nếu Taliban không thực hiện các cam kết của mình và tiếp tay cho những kẻ khủng bố thì mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan có thể tăng lên.

Australia công bố nới lỏng một số hạn chế sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%

Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 9/9 thông báo lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ đối với cư dân trưởng thành đã được tiêm đủ liều sau khi địa phương này đạt mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho 70% cư dân.

Nhóm Bộ tứ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên

Hãng tin Kyodo ngày 9/9 dẫn các nguồn tin giấu tên của Mỹ và Nhật Bản cho biết các bước chuẩn bị cuối cùng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, tại thủ đô Washington (Mỹ) vào ngày 24/9 tới đang được tiến hành.

Hội nghị sắp tới, được cho là nhằm củng cố quan hệ 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dự kiến sẽ diễn ra sau phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 9 tại New York (Mỹ).

Ai Cập hoan nghênh nỗ lực hòa giải của các quốc gia Arab

Phát biểu tại phiên hợp thường kỳ cấp bộ trưởng lần thứ 156 của Liên đoàn Arab (AL) diễn ra ngày 9/9 tại Cairo (Ai Cập), Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tái khẳng định cam kết của nước này hỗ trợ tất cả các quốc gia Arab vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt hiện nay, đồng thời nói rằng Cairo hoan nghênh những nỗ lực hòa giải gần đây giữa các nước Arab.

Giới chức Mỹ cảnh báo mưu đồ bành trướng của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda

Ngày 9/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết cộng đồng quốc tế đang theo dõi tình hình ở Afghanistan để xem liệu mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda có tìm cách quay lại khu vực khi Mỹ đã rút quân hay không.

Ông cho rằng mạng lưới Al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ luôn tìm địa bàn để hoạt động, dù ở Somalia hay ở bất kỳ đâu.  

Máy bay của Qatar Airways sơ tán 200 người cất cánh từ Kabul

Ngày 9/9, CNN đưa tin một máy bay của hãng hàng không Qatar Airways với 200 người đã cất cánh từ sân bay Kabul, là chuyến bay đầu tiên chở người nước ngoài rời khỏi Afghanistan kể từ sau khi Mỹ hoàn tất chiến dịch di tản vào ngày 30/8 vừa qua.

Sân bay quốc tế ở Kabul chuẩn bị hoạt động trở lại

Ngày 9/9, theo một quan chức Qatar, sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kubul của Afghanistan đã sẵn sàng vận hành trở lại đến 90%, song kế hoạch mở cửa sân bay này sẽ được thực hiện dần dần.

Giáo sư ĐH Havard đánh giá về 'cuộc chiến không có hồi kết' của nước Mỹ

Vụ khủng bố 11/9 đã khiến hàng nghìn người Mỹ thiệt mạng nhưng “các cuộc chiến không hồi kết” mà nước Mỹ đã triển khai trong khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố lại có cái giá đắt hơn nhiều. Đây là nhận định mới của giáo sư Joseph S. Nye từ trường Đại học Havard danh tiếng của nước Mỹ.

Cảnh sát Đức lục soát văn phòng Bộ trưởng Tài chính và Tư pháp điều tra nghi án rửa tiền

Ngày 9/9, cảnh sát Đức đã lục soát văn phòng Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp nước này tại thủ đô Berlin để phục vụ công tác điều tra về những khiếu nại liên quan đến rửa tiền.

Theo các công tố viên thành phố Osnabrueck, đây là một phần trong khuôn khổ cuộc điều tra nhằm vào Cơ quan Tình báo tài chính (FIU) - đơn vị chống rửa tiền thuộc Hải quan Đức, bị khiếu nại không chuyển tiếp các báo cáo về các nghi án rửa tiền của các ngân hàng cho cơ quan cảnh sát và tư pháp. Cơ quan công tố đã bắt đầu điều tra FIU từ năm 2020.

BoK sẽ điều chỉnh từng bước chính sách nới lỏng tiền tệ

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 9/9 cho biết sẽ điều chỉnh dần dần chính sách nới lỏng tiền tệ khi theo đuổi mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay trước những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong một báo cáo thường kỳ, BoK cho biết thời điểm tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 và những rủi ro mất cân bằng tài chính. Theo báo cáo, BoK sẽ dần dần điều chỉnh mức độ nới lỏng tiền tệ khi giá tiêu dùng dự kiến sẽ duy trì trên 2% trong thời điểm hiện nay.

Philippines: Bão Conson làm ít nhất 3 người thiệt mạng, 31 người mất tích

Nhà trách Philippines ngày 9/9 cho biết đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và 17 người mất tích sau khi cơn bão nhiệt đới Conson gây mưa lớn và lũ lụt tại nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 10/9: Trung Quốc viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển