Tín hiệu tích cực của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2022

Trang Nhi| 10/01/2022 15:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã xuất hiện những tín hiệu tích cực đầu tiên về cơ hội phục hồi, “chữa lành” những tổn thương cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam sau 2 năm phải "vật lộn" với đại dịch COVID-19.

Ngành hàng không sẽ có giai đoạn phục hồi bền vững

Tại hội nghị thường niên ở Boston (Mỹ), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định ngành hàng không sẽ từng bước phục hồi sau đại dịch và mức thua lỗ năm 2022 được dự báo là sẽ giảm đáng kể. Tổ chức cũng hối thúc chính phủ các nước duy trì các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không cho tới khi tất cả các đường bay quốc tế mở trở lại.

IATA dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

nganh-hang-khong-vn.jpg
Năm 2022 là năm phục hồi của ngành hàng không.

Tổ chức này nhấn mạnh tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng bệnh và việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ là hai yếu tố chính tác động tích cực đến đà phục hồi của ngành hàng không thế giới. Và khi đạt được đà phục hồi, ngành hàng không sẽ phát triển bền vững, lâu dài.

TS. Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA cũng đưa ra nhận định với báo chí, công tác tiêm chủng vaccine đang được đẩy nhanh nhờ sự thống nhất cao giữa các ngành và địa phương. Mức độ kiểm soát dịch bệnh tốt, cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế là những yếu tố giúp ngành hàng không Việt Nam sớm trở lại mức tăng trưởng như trước dịch.

Tổng Thư ký VABA dự báo, mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam từ 6 - 6,5%. Đây là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành hàng không đạt 15 - 20% so với năm 2021. Nếu tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa phát triển kinh tế, ngành hàng không Việt Nam sẽ hồi phục bền vững trong năm 2022.

Tín hiệu tích cực

Ngày 1/1, chuyến bay mang số hiệu VN852 vận chuyển 121 hành khách hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TP. Hồ Chí Minh là chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19; đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới và mở ra triển vọng phục hồi mạnh mẽ hàng không, du lịch sau đại dịch.

nganh-hang-khong-vn-1.png
Tín hiệu tích cực của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2022

Sau chuyến bay giữa Việt Nam và Campuchia, các chuyến bay quốc tế thường lệ tiếp theo của Vietnam Airlines là giữa Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 5/1. Hãng bay này cũng mở bán vé để khai thác các chặng Hà Nội - Seoul từ ngày 6/1 với tần suất mỗi tuần là 2 chuyến; Hà Nội, TP HCM - Singapore từ ngày 12/1 với tần suất một chuyến; TP.HCM - Bangkok (Thái Lan) từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến: Hà Nội - Vientian (Lào) từ 9/1 với tần suất 2 chuyến; Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 11/1 với tần suất một chuyến; giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 9/1.

Theo Tổng Thư ký VABA, đường bay quốc tế được khôi phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới là tín hiệu tích cực của ngành hàng không trong năm 2022. Việc mở lại đường bay quốc tế hiện nay là rất cần thiết sau thời gian dài đóng cửa. Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng dịch, việc lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, tỉ lệ tiêm phòng cao như đề xuất của Bộ GTVT là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), để hỗ trợ các hãng bay, Bộ GTVT cần kịp thời mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế theo kế hoạch mà Bộ đã báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Cùng với đó, nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách; bỏ quy định về cách ly đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không Việt Nam vừa hoàn thành chuyến bay từ nước ngoài về nước.

Chủ tịch VABA cũng kiến nghị đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cho ngành hàng không một cách có trọng điểm theo hướng đồng bộ hóa và nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng ngành hàng không Việt Nam.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề xuất Bộ GTVT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản một cách bền vững; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không xuống mức tối thiểu trong khung thuế mà Quốc hội đã quy định (1.000 đồng/lít); tiếp tục giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết ngày 31/12/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu tích cực của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2022