Sau nhiều tháng thử nghiệm, TikTok cuối cùng đã ra mắt sản phẩm thương mại điện tử của mình, TikTok Shop, tại Mỹ – nơi có hơn 150 triệu người dùng…
Nền tảng chia sẻ video thông báo họ sẽ đưa dịch vụ TikTok Shop, đã có sẵn ở châu Á và các khu vực khác, đến với người dùng tại Mỹ. Đây là một phần nỗ lực của công ty mẹ ByteDance cố gắng đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, thay vì phụ thuộc vào doanh thu chính là quảng cáo.
Nhà sáng tạo có thể gắn thẻ sản phẩm để giúp người dùng dễ dàng mua hàng hơn từ video trong nguồn cấp dữ liệu và video trực tiếp. Các thương hiệu cũng có thể tạo danh mục sản phẩm của riêng mình và người mua hàng có thể truy cập thông tin từ trang hồ sơ của họ.
Bên cạnh đó, TikTok Shop cũng cung cấp một tab chuyên dụng, được tung ra các thị trường khác vào tháng 6, để cho phép người dùng tìm kiếm các sản phẩm khác nhau, khám phá sản phẩm thông qua đề xuất, duyệt các mặt hàng trong các danh mục khác nhau và quản lý đơn đặt hàng của họ.
TikTok thiết lập một kênh liên kết dành cho người bán, cho phép họ làm việc với người sáng tạo trên cơ sở hoa hồng để bán sản phẩm. Ngoài việc cho phép các thương hiệu lưu trữ sản phẩm trên nền tảng, ByteDance còn cung cấp các giải pháp hậu cần dưới dạng “Fulfilled by TikTok” (Được thực hiện bởi TikTok) cùng với phương thức thanh toán an toàn.
Dự kiến TikTok Shop có thể được kết nối với các nền tảng thương mại điện tử khác ở khu vực Bắc Mỹ, chẳng hạn như Shopify của Canada, vốn đang phổ biến với những nhà bán lẻ quy mô nhỏ.
Nikkei Asia nhận định, dịch vụ của ByteDance được thiết lập để phục vụ người bán ở Mỹ tạo ra sự khác biệt với những đối tác Trung Quốc khác đang hoạt động tại thị trường này.
Hiện, một số nhà bán lẻ điện tử (e-retailer) như Temu và Shein đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ bán sản phẩm giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc.