Như Công lý đã thông tin, việc bà Nguyễn Ngọc Luyên (nguyên Đấu giá viên, Công ty Đấu giá hợp danh Đại dương Group) sửa chữa, thay ảnh mình trên bằng tú tài THPT của em trai và đứng tên trên Bằng cử nhân Luật giả đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định rõ. Qua vụ việc này, cơ quan CSĐT còn phát hiện loạt sai phạm liên quan đến hộ tịch của bà Luyên. Tuy nhiên, đến nay, những sai phạm này dường như vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Kỳ lạ việc hai chị em bỗng sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm
Trong văn bản trả lời người tố cáo vào tháng 11/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang thông tin, cơ quan công an đã cấp chứng minh nhân dân (CMND) số 121516481 đối với Nguyễn Thị Luyên, sinh ngày 17/1/1976 theo tờ khai CMND ngày 25/9/2001 và cấp đổi CMND từ Nguyễn Thị Luyên sinh ngày 17/1/1976 thành Nguyễn Ngọc Luyên sinh ngày 12/8/1978 theo tờ khai CMND ngày 30/6/2006.
Cũng theo cơ quan CSĐT, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định việc thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh khi làm thủ tục đổi, cấp lại CMND thì công dân phải “xuất trình hộ khẩu thường trú; xuất trình quyết định thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh”. Tuy nhiên, cho đến tháng 2/2017 thì Công an TP Bắc Giang mới làm thủ tục thay đổi tên đệm, ngày tháng năm sinh cho Nguyễn Thị Luyên trên sổ hộ khẩu, vi phạm Nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về CMND.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng khẳng định việc đăng ký lại khai sinh của UBND xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên đối với Nguyễn Ngọc Luyên là không đúng quy định theo khoản 3, điều 48 Nghị định 158/2005/NĐ-CP.
Cơ quan CSĐT đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Tân Yên rà soát lại thủ tục đăng ký lại khai sinh đối với Nguyễn Ngọc Luyên và xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.
Như vậy, bằng một số thủ tục về đăng ký lại khai sinh, cấp đổi CMND mà Nguyễn Thị Luyên, sinh ngày 17/1/1976 đã được “biến thành” Nguyễn Ngọc Luyên, sinh ngày 12/8/1978. Đáng nói, cả họ, tên đệm lẫn ngày, tháng, năm sinh này lại hoàn toàn trùng khớp với họ, tên đệm và ngày, tháng, năm sinh của ông Nguyễn Ngọc Luyến (em trai bà Nguyễn Thị Luyên). Từ chỗ cách nhau hơn 2 tuổi, hai chị em bà Luyên đã thành bằng tuổi nhau.
Theo người tố cáo (bà P.T.L), bằng việc thay ảnh và sửa dấu trên Bằng tú tài THPT của em trai, cùng với việc sử dụng giấy khai sinh và CMND với thông tin về nhân thân đã thay đổi cơ bản, bà Luyên đã nộp hồ sơ vào Trường sư phạm và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau đó, giấy tờ tùy thân này còn được phục vụ cho việc tuyển dụng giáo viên, cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, cấp Thẻ đấu giá viên, thành lập công ty…Như vậy, một loạt trường học, cơ quan quản lý nhà nước (trong đó có cả cơ quan công an) đã bị bà Luyên “qua mặt”.
Đến nay, tuy việc gian dối đã bị phanh phui và khắc phục một phần thông qua việc hủy bỏ các văn bằng đã cấp (bằng Đại học sư phạm, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Thẻ đấu giá viên…) nhưng nhiều nội dung quan trọng khác vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn LS TP Hà Nội) cho hay, tên, ngày tháng năm sinh của một con người là những thông tin về nhân thân rất quan trọng, gắn liền với một con người cụ thể. Nhằm tránh hiện tượng “ve sầu thoát xác” pháp luật cũng đã có những quy định rất chặt chẽ về thủ tục thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh và hình thức xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.
Trong vụ việc này, nếu CQĐT đã xác định việc đăng ký lại khai sinh, cấp đổi CMND có vi phạm, dẫn đến việc cấp lại giấy khai sinh hoặc cấp CMND có thông tin không đúng thì cần xác định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý triệt để. Dù là trách nhiệm của cá nhân do cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, sự cố ý hoặc tắc trách của cán bộ hộ tịch, cán bộ làm thủ tục cấp CMND thì ngoài việc áp dụng việc xử lý, kỷ luật, người có thẩm quyền cần buộc đối tượng liên quan phải nộp lại những giấy tờ đã cấp sai (Giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu…) hoặc có thông báo về việc hủy bỏ hiệu lực của các loại giấy tờ này.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì hiện nay, trong một số văn bản chính thức của Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group, bà Luyên vẫn được ghi nhận với tên đầy đủ là “Nguyễn Ngọc Luyên”. Như vậy, việc khắc phục “trả lại tên” như trước khi xảy ra sai phạm trong việc đăng ký lại khai sinh, cấp CMND trong vụ việc này xem ra vẫn chưa được thực hiện.
Trưởng ban kiểm phiếu không phải là Đấu giá viên
Phản ánh đến cơ quan chức năng và báo chí, một khách hàng từng tham gia đấu giá do Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group tổ chức cho biết, tuy không còn là Đấu giá viên nhưng trong một số buổi đấu giá, bà Nguyễn Ngọc Luyên làm thay nhiều công việc thuộc phạm vi điều hành của Đấu giá viên. Đơn cử, hình ảnh ghi lại diễn biến buổi đấu giá các lô đất tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang ngày 22/7/2023 cho thấy, bà Nguyễn Ngọc Luyên đã trực tiếp điểm danh 166 khách hàng tham gia đấu giá và tuyên bố: “có 4 khách hàng chưa đến làm thủ tục nhận phiếu đấu giá. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn tiến hành đấu giá. Khi bắt đầu thời gian ghi phiếu, chúng tôi sẽ lập biên bản và khách hàng sẽ mất 100% tiền đặt trước”.
Ngoài ra, bà Luyên còn trực tiếp thông báo về số lượng hồ sơ đủ điều kiện đấu giá, về số lượng ô đất đủ điều kiện đấu giá và số lượng người đăng ký đấu giá các ô đất này, cũng như đứng lên giải thích cho khách hàng về việc trả lại tiền đặc cọc, hoặc hỏi khách hành về việc đã nhận được phiếu đấu giá hay chưa. Thậm chí, bà Luyên còn trích dẫn quy chế đấu giá để yêu cầu một khách hàng không được quay phim, chụp ảnh diễn biến buổi đấu giá.
Cùng với đó, biên bản buổi đấu giá này được cho là của chính Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group lập còn chính thức ghi nhận bà Nguyễn Ngọc Luyên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group làm “Trưởng ban kiểm phiếu”.
Trong khi đó, vào tháng 9/2021, Sở Tư pháp Bắc Giang có văn bản “chấn chỉnh việc điều hành tại cuộc đấu giá”, trong đó yêu cầu Đấu giá viên trực tiếp điều hành cuộc đấu giá theo đúng các trình tự nội dung, yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản, bao gồm nội dung cơ bản: giới thiệu bản thân người giúp việc; công bố danh sách người tham gia đấu giá; giới thiệu từng tài sản đấu giá, điểm danh để xác định người tham gia đấu giá; đọc Quy chế đấu giá; nhắc lại giá khởi điểm, thông báo bước giá, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá…
Đồng thời, Sở Tư pháp cũng nhấn mạnh “Đấu giá viên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, điều hành cuộc đấu giá từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc đấu giá, đảm bảo nghiêm túc; tại cuộc đấu giá, những người không phải là đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá thì không được điều hành các nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của đấu giá viên”
Về nhiệm vụ điều hành cuộc đấu giá, Luật sư Nguyễn Trung Thành cho biết, khoản 2, Điều 42 Luật Đấu giá tài sản có quy định một nhiệm vụ rất quan trọng của Đấu giá viên là “kiểm đếm số phiếu phát ra và số phiếu thu về; công bố từng phiếu trả giá, phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá”.
Như vây, việc thành lập “Ban kiểm phiếu” trong các cuộc đấu giá trên cần phải được Sở Tư pháp Bắc Giang xem xét, đánh giá xem có đúng quy định hay không để trả lời người dân, vì Khoản 2 Điều 19 Luật Đấu giá đã quy định rõ “Đấu giá viên có các nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật này; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện”.
Khoản 1 Điều 69 của Luật này cũng quy định, “đấu giá viên có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 19 hoặc quy định khác của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.