Là một trong những nội dung quan trọng được đa số cái đại biểu tán thành tại phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 23/10/2020.
Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS bao gồm 14 điều khoản của Luật HIV 2006. Đó là các điều: Điều 2 về giải thích từ ngữ; Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; Điều 11 về đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 12 về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 18 về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; Điều 20 về người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS; Điều 21 về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; Điều 27 về xét nghiệm HIV tự nguyện; Điều 29 về thực hiện xét nghiệm HIV; Điều 30 về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; Điều 35 về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Điều 36 về điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV; Điều 39 về tiếp cận thuốc kháng HIV; Điều 43 về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS. Dự thảo Luật cũng bãi bỏ hai điều của Luật HIV 2006, bao gồm Điều 42 về Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối; và Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật này, các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình; nhấn mạnh thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó, có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS”; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào các quy định về: mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ BHYT đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT.
Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định và đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật với các quy định sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan để bảo đảm không phát sinh bất cập, mâu thuẫn khi tổ chức thực hiện; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra của Ủy ban và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành và phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Bên cạnh đó, tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 30); kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (Điều 35); độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Điều 27); Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 44).
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và nhiều nội dung của Dự thảo luật. Hồ sơ của dự thảo luật đầy đủ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành như quy định phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; nhất trí với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu để nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; cũng như cần phải bảo đảm quyền bí mật thông tin của người bị nhiễm HIV.
Về độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV quy định tại Điều 27, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, tuy nhiên để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay, bảo đảm việc xét nghiệm sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, đồng thời tăng cường việc phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để đưa ra một phương án độ tuổi tối thiểu hợp lý của người tự nguyện xét nghiệm HIV và báo cáo trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại phiên thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung, cơ quan soạn thảo đã có giải trình rõ ràng, đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội cả nội dung và kỹ thuật lập pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này như chương trình kỳ họp đã đề ra.