Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại các buổi làm việc với lãnh đạo BHXH các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cùng tham dự các buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu tại các buổi làm việc, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao nỗ lực, ý chí của cán bộ viên chức BHXH các tỉnh, thành phố khi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm qua nhưng đã phát huy được tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các công việc được giao, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động.
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết, 10 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có 215.326 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 82,64% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tham gia BHXH tự nguyện là 6.860 người đạt 50,40% so với chỉ tiêu phấn đấu, giảm 580 người so với năm 2019. Số đối tượng còn phải phát triển đến cuối năm theo chỉ tiêu phấn đấu là 6.750 người; số người tham gia BH thất nghiệp đạt 208.463 người đạt 82,12% kế hoạch của BHXH Việt Nam giao, giảm 33.059 người so với năm 2019; số người tham gia BHYT là 1.034.604 người đạt 94,97% so với kế hoạch giảm 14.318 người, giảm 24.482 người (tương ứng với 2,31%) so với năm 2019.
Theo đó, công tác phát triển đối tượng còn gặp nhiều khó khăn do các đơn vị mới thành lập hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mang tính chất kinh doanh trong gia đình, số lao động dưới 10 người, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhận thức về quyền lợi hưởng BHXH còn hạn chế, nhất là phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đặt biệt là trong tình hình dịch Covid-19, làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, phải tạm thời thu hẹp quy mô sản xuất, nợ lương người lao động và không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đúng hạn.
Cùng nêu những khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ, ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến tháng 10/2020, tỉnh Quảng Nam giảm 16.460 lao động tham gia BHXH so với tháng 12/2019, tương đương giảm 150 tỷ đồng số phải thu. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 10 tháng đầu năm chưa đạt được tiến độ theo quy định; tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao bằng 5,85% số phải thu theo kế hoạch, tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2019; số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp giảm so với cuối năm 2019...
Ông Tiêu Sinh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ rõ những khó khăn mà BHXH tỉnh gặp phải, cụ thể: Tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh hiện lên tới 238,49 tỷ đồng, chiếm 7,6% so với số phải thu; các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT với tổng số tiền trên 534,02 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng dự toán lên tới 82%.Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc. Công tác tuyên truyền vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình chưa hiệu quả do thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập của người lao động giảm do dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nhìn chung, trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của các cơn bão đi qua, song cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố vẫn đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đáng chú ý, BHXH các tỉnh, thành phố đều nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời...
Nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020, BHXH các tỉnh, thành phố cần quyết liệt hơn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực khác liên quan đến BHXH, BHYT.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành; Tuyên truyền để các đơn vị, cá nhân đăng ký thực hiện giao dịch điện tử, các dịch vụ công của Ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Về công tác truyền thông, Tổng Giám đốc đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ý nghĩa, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp về BHYT học sinh, sinh viên; các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp diễn; bám sát địa bàn và người dân để có giải pháp tuyên truyền phù hợp.
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; đồng thời trân trọng cảm ơn, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Ngành, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nhằm hoàn thành tốt nhất mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.