Thượng nghị sĩ Philippines Jinggoy Estrada gây chú ý khi đề xuất cấm các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-Drama) chiếu tại quốc gia này vì chúng đe dọa đến các chương trình sản xuất trong nước.
Philippines là một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển khá bất ổn. Đã có một thời những thành tựu đạt được của nền điện ảnh Philippines khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Điện ảnh ở Philippines ra đời rất sớm từ những năm 30 của thế kỷ trước và ngay lập tức được đông đảo công chúng đón nhận như một loại hình nghệ thuật đầy bí ẩn.
Những câu chuyện phim bắt nguồn từ những tác phẩm sân khấu hay những tác phẩm văn học nổi tiếng, điều sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bộ phim sẽ được phát hành.
Tuy vậy những bộ phim về lòng yêu nước vẫn ra đời bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao. Đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên Julian Manasala đã nỗ lực cùng với những người cộng sự của mình sản xuất bộ phim mang tinh thần tổ quốc thân yêu.
Sang đến những năm 40, các bộ phim của nền điện ảnh Philippine chuyển sang đề tài chiến tranh với hình thức phỏng tài liệu, cũng là là vấn đề nổi bật nhất của xã hội Philippine thời kỳ này nên được công chúng đón nhận.
Tuy nhiên, một loạt những bộ phim chịu ảnh hưởng của nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản khi đó như The Dawn of Freedom, Tatlong Maria khiến người xem dần chán ngán. Họ khao khát những tác phẩm thuộc về dân tộc mình.
Kỷ nguyên vàng của phim Philippines bắt đầu từ những năm 1950, khi những nhà làm phim trở thành những nghệ sỹ sáng tạo thực thụ.
Hệ thống trường quay bắt đầu được hình thành, nhiều thể loại phim cùng được sản xuất với hệ thống đề tài phong phú: tinh thần yêu nước, lòng thù hận với những kẻ thù nước ngoài, những hồi ức chiến tranh, niềm hi vọng về những đổi thay …
Đội ngũ những người làm điện ảnh từ đạo diễn, diễn viên đến kỹ thuật viên đều chuyên nghiệp hóa và dành hết tâm sức sáng tạo cho loại hình nghệ thuật tốn kém và nhiều rủi ro này.
Thế nhưng việc chỉ có một số hãng sản xuất đã chớm dậy những nguy cơ của sản xuất độc quyền. Chính vì thế, dù đến thập niên 60, sau một loạt những thay đổi tích cực như việc đưa âm nhạc truyền thống vào phim, cục diện chung của nền điện ảnh Philippine vẫn không có thêm những dấu hiệu khả quan.
Điện ảnh Philippines thập niên 70 – 80 rơi vào trạng thái hỗ loạn với một loạt những thay đổi tiêu cực. Tiếp tục sự suy giảm về số lượng phim manh nha từ cuối những năm 60, số lượng phim ra đời mỗi năm càng ít đi và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự hỗn loạn trong hệ thống văn hóa của chế độ tổng thống Marcos.
Nhiều hình thức giải trí thay thế khác có ảnh hưởng từ lối sống Mỹ xuất hiện khiến điện ảnh càng rơi vào giai đoạn khủng hoảng.
Nguyên nhân sâu xa của những việc này được nhiều người đánh giá là vì những bộ phim từ các nước châu Á đã cướp đi lượng khán giả đối với dòng phim quốc nội.
Chính vì vậy, mới đây Thượng nghị sĩ Philippines Jinggoy Estrada gây chú ý khi đề xuất cấm các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-Drama) chiếu tại quốc gia này vì chúng đe dọa đến các chương trình sản xuất trong nước.
“Từ những gì tôi quan sát được, chúng ta vẫn tiếp tục phát sóng phim truyền hình Hàn Quốc và đồng hương của chúng ta thần tượng các diễn viên Hàn Quốc trong khi các nghệ sĩ trong nước đang mất việc. Vì vậy, đôi khi tôi nghĩ đến việc cấm các chương trình nước ngoài để nghệ sĩ của chúng ta có cơ hội thể hiện tài năng và được đánh giá cao hơn ở chính quê hương họ”, ông Estrada nói.
Phát ngôn của chính trị gia sinh năm 1963 nhanh chóng làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng mạng Philippines. Đa số phản đối ý kiến cấm chiếu K-Drama.
Họ cho rằng thay vì cưỡng chế, ông Estrada và các nhà chức trách nên tạo điều kiện, hỗ trợ nhiều hơn về mặt kinh phí giúp phim nội địa cải thiện chất lượng, từ đó gây ấn tượng và thu hút được người xem.
“Tôi nhớ một người Hàn Quốc nói với tôi rằng bí quyết thành công của nền kinh tế Hàn Quốc là không cấm các công ty nước ngoài gia nhập. Chúng ta khắt khe và bảo vệ quá mức. Đó là lý do chúng ta không bao giờ phát triển. Hãy hỗ trợ cạnh tranh thay vì loại bỏ cạnh tranh”.
"Ông có biết đâu là giải pháp tốt hơn? Dành số tiền đầu tư cho nghệ thuật trong nước để các nhà sản xuất và nghệ sĩ không phải gánh vác mọi gánh nặng. Hãy xem phát triển ngành phim ảnh là việc lớn, thấm nhuần các tác phẩm của Philippines từ trong trường học. Ông có biết ai đã làm điều đó không? Chính là Hàn Quốc”.
Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, ông Estrada đăng bài giải thích trên Facebook. Ông khẳng định không bài xích thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực giải trí, ngược lại còn đánh giá cao và muốn hỏi học từ nước bạn.
Dù vậy, theo thượng nghị sĩ, ông cảm thấy thất vọng khi thấy thực trạng người dân háo hức và sẵn sàng chào đón văn hóa đại chúng của Hàn Quốc, nhưng lại thiếu đi sự ủng hộ với phim nội địa.
“Tôi ước rằng lòng nhiệt thành của công chúng đối với nghệ sĩ nước ngoài có thể được nhân rộng để hỗ trợ tài năng ‘cây nhà lá vườn’. Tôi tin nghệ sĩ của chúng ta cũng đạt đẳng cấp thế giới... Đã đến lúc chúng ta noi gương người Hàn Quốc và làm điều tương tự cho ngành công nghiệp giải trí đang phát triển của chúng ta”, ông nhấn mạnh.