Thuốc là làm nóng dưới lăng kính khoa học ở Mỹ và Nhật

Ngọc Ái| 09/04/2021 09:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước khi Uruguay dỡ bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá nung nóng vì những căn cứ khoa học cho thấy sản phẩm này giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu thì thuốc lá nung nóng đã được hơn 60 nước cấp phép lưu hành. Những luận cứ khoa học mà Mỹ, Nhật Bản đã đưa ra đã cho thấy các quyết định về quản lý nhà nước đối với sản phẩm này đều dựa trên những nghiên cứu khoa học đánh giá tác động của sản phẩm đối với sức khỏe và cả môi trường.

Thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn thuốc lá điếu đốt cháy

Tháng 7/2020, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh như một sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ MRTP (Modified Risk Tobacco Products) với thông tin “giảm thiểu phơi nhiễm” của các chất độc hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu.

Theo đó, đại diện FDA, TS. Priscilla Callahan-Lyon cho biết, để được cấp phép kinh doanh, một sản phẩm thuốc lá phải được kiểm chứng là phù hợp với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên cơ sở đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích đối với cả người sử dụng và người không sử dụng sản phẩm đó. Bà cũng khẳng định, sản phẩm được cho phép và thẩm định từ FDA phải đạt được yêu cầu là không gây hại hơn thuốc lá điếu đốt cháy.

FDA Mỹ cũng đồng thời thẩm định khả năng gây nghiện của sản phẩm thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu. Trên cơ sở đó, FDA cho biết trọng tâm mà sản phẩm thuốc lá làm nóng đã được FDA cho phép thương mại chính là khuyến khích những người hút thuốc lá trưởng thành quyết định chuyển đổi, không tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy.

Về cơ bản, thuốc lá nung nóng cung cấp nicotin ở mức tương tự với thuốc lá điếu đốt cháy, để giải quyết các triệu chứng nghiện thuốc lá của những người hút thuốc hiện tại. FDA cũng khuyến cáo sản phẩm có khả năng gây nghiện nhất định nên sẽ có nguy cơ gây nghiện đối với những người chưa từng sử dụng sản phẩm thuốc lá trước đó. Tuy nhiên, FDA cũng khẳng định nguy cơ này không cao hơn so với các sản phẩm thuốc lá hiện có khác, đặc biệt là thuốc lá điếu đốt cháy.

Thông qua việc xem xét và đánh giá các hồ sơ được đệ trình, FDA cũng cho biết trên thực tế, tỷ lệ bắt đầu sử dụng sản phẩm ở những người chưa từng sử dụng thuốc lá trước đó chỉ ở mức thấp tại các quốc gia mà sản phẩm này đã được thương mại hóa.

Đến nay, thuốc lá làm nóng đã chính thức được phép kinh doanh tại 63 quốc gia trong đó Nhật, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Malayasia… và phần lớn các nước thuộc châu Âu.

Thuốc lá nung nóng và giới trẻ

Có nhiều nghiên cứu liên quan đến thuốc lá nung nóng và giới trẻ đã được thực hiện. Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của dòng sản phẩm đối với người tiêu dùng trực tiếp và ảnh hưởng đối với xã hội bằng một chương trình khảo sát có quy mô quốc gia. Cụ thể, theo khảo sát toàn quốc về Sức khỏe và Dinh dưỡng tại Nhật Bản năm 2018, chỉ 9% tỷ lệ sử dụng kép gồm cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu trong số những người đang hút thuốc lá (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu đốt cháy). Đồng thời, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông dù có nhưng được ghi nhận ở mức rất thấp với chỉ 0,1%, tức bằng 1/5 so với tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy.

Thêm vào đó, TS. Priscilla Callahan-Lyon, đại diện FDA Hoa Kỳ trả lời trong một cuộc phỏng vấn với báo chí năm 2019, cho rằng sản phẩm thuốc lá làm nóng được FDA thông qua có điểm khác biệt, đó là chúng có kích cỡ lớn hơn hầu hết các loại thuốc lá điện tử, nhìn rất to và khó che giấu. Xét về cơ chế hoạt động, người dùng phải mua sản phẩm thuốc lá đặc chế theo bộ, chứ không thể mua sản phẩm riêng lẻ để dùng. Do đó, TS. Lyon đánh giá, nguy cơ đối với việc giới trẻ bắt đầu sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng thấp hơn đáng kể (so với thuốc lá điện tử). Sản phẩm này cũng không có nhiều mùi hương khác nhau như các loại thuốc lá điện tử sử dụng hương liệu.

Đến nay tại Việt Nam, các loại thuốc lá thế hệ mới dù chưa chính thức được thương mại hóa nhưng các sản phẩm thuốc lá làm nóng, hay thuốc lá điện tử được mua bán công khai rộng rãi ở thị trường, với nhiều cửa hàng ngay tại trung tâm các thành phố lớn và trên internet. Tuy vậy, một điều đáng quan ngại là để dễ tiếp cận người dùng, thuốc lá nung nóng cũng bị đánh tráo bằng cái tên thuốc lá điện tử trong khi hai loại này hoàn toàn khác nhau.

Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới, do đó theo các chuyên gia y tế và pháp luật, đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận đối với chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá. Theo đó, những nhà quản lý nên xem xét những giải pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe cộng đồng hơn là cực đoan trong chiến lược phòng chống thuốc lá với quan điểm cứng rắn “bỏ thuốc hay là chết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc là làm nóng dưới lăng kính khoa học ở Mỹ và Nhật