Mỹ đã quyết định chi 3,2 tỷ USD để thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc kháng COVID-19 dạng viên, với hy vọng bệnh nhân có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Thuốc điều trị COVID-19 sẽ là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Mỹ đang là quốc gia đi đầu thử nghiệm một số loại thuốc có tiềm năng để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả toàn phần cho bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một số liệu pháp trong điều trị COVID-19 được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp là Remdesivir. Đây là thuốc kháng virus đầu tiên FDA được phê duyệt trong điều trị COVID-19 vào tháng 10 năm ngoái. Thuốc này được phát triển gần một thập niên trước và cho thấy hiệu quả chống lại các coronavirus khác bao gồm SARS và MERS.
Các nghiên cứu cũng cho thấy Remdesivir có khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng thông qua ức chế hiệu quả sự nhân lên của virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã khuyến nghị cho phép sử dụng có điều kiện thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị COVID-19 tại châu Âu. Tới nay, đã có 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng Remdesivir trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ngoài dạng dung dịch và dạng bột, các nhà nghiên cứu đang tìm cách chuyển Remdesivir sang dạng viên uống để thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng.
Ngoài Remdesivir, hiện nay có một số ứng viên tiềm năng khác là Molnupiravir được nghiên cứu và phát triển tại Đại học bang Georgia, Mỹ thông qua ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2.
Molnupiravir (còn được gọi là MK-4482 và trước đây là EIDD-2801) là một loại thuốc kháng virus ban đầu được phát triển để chống lại bệnh cúm. Hai công ty Ridgeback Biotherapeutics và Merck đang hợp tác để phát triển nó như một phương pháp điều trị cho COVID-19.
Các nghiên cứu ban đầu trên tế bào phổi người và trên động vật đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị COVID-19. Không giống như Remdesivir (phải được tiêm tĩnh mạch), Molnupiravir có thể dùng dưới dạng viên uống. Điều đó có thể giúp người bệnh dễ dàng sử dụng như một phương tiện để ngăn chặn bệnh từ giai đoạn sớm.
Công ty MERCK đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với molnupiravir vào tháng 4 năm nay. Kết quả cho thấy molnupiravir có hiệu quả ở nhóm người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng lại không có hiệu quả đối với nhóm bệnh nhân nhập viện có diễn tiến bệnh nặng. Kết quả giai đoạn 3 sẽ được công bố trong vài tháng tới trên nhóm người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hiện Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để đặt mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Nhằm đẩy nhanh việc phát triển và tìm ra các phương pháp điều trị kháng virus đối với bệnh COVID-19 và các mối đe dọa trong tương lai, ngày 17-6 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch mang tên "Chương trình chống virus cho đại dịch," trị giá 3,2 tỷ USD, sử dụng nguồn kinh phí từ Kế hoạch Giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD.
Chương trình này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc uống kháng virus hiện đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Ngoài ra, chương trình cũng tài trợ cho việc phát hiện ra các loại thuốc kháng virus mới nhằm không chỉ chống lại virus SARS-CoV-2 và họ rộng hơn của loại virus này, mà còn là các họ virus khác được cho là có khả năng gây ra đại dịch.
Hiện nay các nhà sản xuất dược phẩm như Pfizer và Atea-Roche cũng đang nỗ lực tham gia vào công cuộc điều chế thuốc viên chống COVID-19.
Theo kế hoạch, các loại thuốc chống virus sẽ được cho người bệnh dùng ngay sau khi phát hiện bệnh để ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng. Điều này tương tự tác dụng của thuốc Tamiflu đối với bệnh cúm.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt đồng ý sử dụng Remdesivir và Molnupiravir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, dùng Remdesivir cho các ca nặng và Molnupiravir cho các bệnh nhân nhẹ, vừa điều trị tại nhà.
Vài tuần trước, các nhà khoa học tại Viện Hóa học Việt Nam đã công bố tổng hợp thành công một thuốc kháng virus mới favipiravir với cơ chế hoạt động tương tự như thuốc Remdesivir. Mặc dù đây mới là các kết quả ban đầu trong phòng thí nghiệm, nhưng được xem là tín hiệu đáng mừng mà các nhà khoa học nước nhà mang lại. Hy vọng họ sẽ đạt những kết quả tốt trong các thử nghiệm tiếp theo.
Các thuốc điều trị COVID-19 sẵn có và đang thử nghiệm mang lại niềm hy vọng và là một kế hoạch dự phòng cho những người chưa được tiêm chủng vắc xin.