Bên cạnh vẻ đẹp nhân văn của di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng sự phát triển của xã hội, người ta lợi dụng di sản này vào mục đích khác nhau, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó.
TS Trần Đoàn Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam cho biết, “Thực hành tín ngường thờ Mẫu Tam phủ là một trong những thành tố rất đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đạo đức nho giáo rất trọng nam kinh nữ, nhưng riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lại đề cao vai trò của người phụ nữ. Đây là kho tàng văn hóa bao gồm nhiều yếu tố như nghi lễ, trang phục, âm nhạc… Chính vì vậy UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016".
Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Trong lần có mặt tại buổi tọa đàm Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ dưới góc độ báo chí và truyền thông được tổ chức vào cuối năm ngoái, nghệ nhân dân gian Đỗ Thị Vui, thanh đồng đẹp nức tiếng Hà Thành chia sẻ rằng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là tín ngưỡng nội sinh, bản địa đã có từ lâu đời, đồng hành cùng lịch sử của dân tộc, cùng với cuộc sống của xã hội, của con người Việt Nam. Thanh đồng Đỗ Thị Vui nhấn mạnh: “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ mang nhiều ý nghĩa và giá trị tính nhân văn sâu sắc. Đó là những biểu đạt văn hóa tín ngưỡng bản địa, tâm linh và biểu tượng, thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt”.
Đó cũng là một trong những lý do mà UNESCO đã chính thức công nhân Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo quan điểm của UNESCO, nội hàm của Tín ngưỡng này là sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật dân gian - là tri thức dân gian, là ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng,... Đó chính là sự ghi nhận đối với những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.
Vấn đề đặt ra là, khi nhìn nhận đánh giá về một di sản được vinh danh, chúng ta cần có quan điểm rộng mở hơn và tầm nhìn cao hơn về bản sắc tộc người, về tôn trọng sự đa dạng văn hóa, về đối thoại và khoan dung văn hóa giữa các tôn giáo, tín ngưỡng của các nhóm người, tộc người. Sự vinh danh góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại.
Tiến sĩ Frank Proschar (người Mỹ) cũng đã bình luận rằng: "Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hoá Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hoá Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hoá Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhoà đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu".
Xét từ góc độ văn hóa truyền thống, các thực hành như lễ hội, lên đồng, hát văn gắn liền với những yếu tố văn hóa dân gian đã góp phần lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Từ góc độ lịch sử, việc tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, nhân vật huyền thoại như các vị quan, ông Hoàng khi sống là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.
Từ góc độ tín ngưỡng, thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng, cầu cúng cũng như hoạt động lễ hội là để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng cuộc sống, hướng con người đến lòng từ bi bác ái, ứng xử nhân văn giữa con người với con người.
Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội, thực hành lên đồng là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính tập thể, mọi người có thể cùng giao cảm với thần Thánh, cùng hưởng thụ các giá trị văn hóa, tâm linh, tạo nên niềm cộng cảm, gắn bó giữa các thành viên cộng đồng.
Thanh Đồng - Nghệ nhân dân gian Đỗ Thị Vui
Các nhà khoa học đều khá thống nhất cho rằng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời vào cuối triều Lê thế kỷ 16, gắn liền với sự giáng sinh của Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa - vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử của Việt Nam. Ngài là “bà mẹ văn hóa”, là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã được trung đúc hàng ngàn năm qua. Qua đó, cũng thể hiện tư tưởng nam nữ bình đẳng, một điều khác biệt trong xã hội phong kiến xưa kia. Mặt khác, bởi mang tính chất dân gian nên thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có nội dung và hình thức vô cùng phong phú và mang tính chất chi phối của từng vùng miền.
Chia sẻ về những nét đẹp nhân văn của di sản này, nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho biết: “Thứ nhất, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện tinh thần yêu nước; thứ hai là yêu lao động và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước; thứ ba là thể hiện cuộc sống tinh thần lành mạnh của con người Việt Nam, tình cảm của người Việt gửi gắm qua các bài hát văn; và thứ tư là thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược.”
Bên cạnh vẻ đẹp nhân văn của di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng sự phát triển của xã hội, người ta lợi dụng di sản này vào mục đích khác nhau, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó.
Đã không ít lần GS-TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhấn mạnh về những mặt trái này: "Không ít người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác".
Nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có rất nhiều nghi thức từ lễ phục, âm nhạc … một thời gian do ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử cũng bị sai lệch. Tôi rất mong có các cuộc gặp gỡ với những người yêu văn hóa Việt, các chuyên gia nghiên cứu để tái hiện lại không khí văn hóa, dân tộc, truyền thống của di sản này.
Cái gì cũng còn có mặt trái. Đại đa số chúng tôi vẫn giữ đúng nghi lễ thực hành theo lối cổ truyền. Tôi rất mong có các cuộc họp với các đơn vị quản lý văn hóa, các chuyên gia để giữ gìn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng bản sắc, không bị biến thái, bị lai căng – nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho hay.
Cũng vừa mới đây thôi, Bộ VHTT&DL đã ra văn bản gửi các Sở VH, Sở TT ở các tỉnh chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cụ thể, Bộ đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đối với hầu đồng, Bộ nêu rõ: "Ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng".
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì những người thực hành như các thầy đồng cần phải giữ phẩm chất, cốt cách của một tín đồ thờ Mẫu tam phủ, có tâm, có đức, không lôi kéo, lợi dụng và xúi giục những người khác mở phủ, tranh thủ trục lợi, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng đức tin của người tham gia để trục lợi, phục vụ cho những mục đích, ý đồ đen tối, phản nhân văn. Nâng cao nhận thức về di sản cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích cộng đồng, bản hội những người thực hành chủ động tham gia vào bảo tồn và phát huy, trao truyền và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu, để đảm bảo di sản được thực hành đúng với những ý nghĩa và giá trị vốn có.