Trước thực trạng thủ tục hành chính đang là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Văn bản 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn và bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Văn bản nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia để cắt giảm các quy định thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,... Theo đó, đến tháng 5 năm 2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong đó nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện.
Thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
Tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý...
Thực chất và hiệu quả, đó là tiêu chí, yêu cầu bắt buộc của công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội qua thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, lắng nghe ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, thời gian qua các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ của các bộ, ngành tuy có tinh thần cải cách, nhưng vẫn để lại những băn khoăn về tính thực chất.
Nhìn chung, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ được phê duyệt tập trung chủ yếu vào việc bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có; giảm thời gian giải quyết thủ tục...
Những đề xuất này được đánh giá vẫn chưa đủ mạnh, chưa mang tính đột phá. Một số đề xuất mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp... Nhiều hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về kinh doanh chưa được đề xuất trong các phương án...
Với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đúng tinh thần”: Cải cách phải thực chất và hiệu quả.