Bà Clinton đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Trump - đối thủ “khó ưa” trên đường đua sinh tử tới Nhà Trắng. Thế nhưng ít ai biết bí mật thực sự nằm sau hành động “chơi đẹp” của cựu Ngoại trưởng Mỹ.
Bà Hillary Clinton đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump ngay trong đêm có kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Trong bài phát biểu chiến thắng trước đông đảo cử tri ủng hộ ngày 9/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, bà Hillary Clinton đã gọi điện chúc mừng ông. “Fairplay!” (Chơi đẹp - PV), nhiều người lên tiếng khen ngợi hành động của bà Clinton - đối thủ không đội trời chung của ông Trump trong suốt cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đầy cam go và sôi động.
Sở hữu 276 phiếu đại cử tri, vượt 6 phiếu để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã thực hiện được ước mơ lớn trong cuộc đời mình - một vị doanh nhân đại tài trên thương trường nhưng “zero” về kinh nghiệm chính trường và quân sự. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc còn đáng ngạc nhiên hơn. Ông Donald Trump chính thức giành chiến thắng trước Hillary Clinton với tỉ lệ phiếu đại cử tri 290 - 232 (mặc dù thua cách biệt về số lượng phiếu bầu phổ thông). Chiến thắng dù bất ngờ nhưng vô cùng thuyết phục của ông Trump khiến trái tim vị cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ và những người ủng hộ bà hết mình trong cuộc đua đến chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ tan nát.
Đối với một người bình thường, chấp nhận thất bại và thừa nhận thất bại của bản thân với chính những người thân đã khó, với đối thủ lại càng khó hơn. Với bà Clinton, ứng viên sáng giá cho chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng, một cựu Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ một thời, một người được đánh giá cao hơn đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, để làm việc này hẳn không phải điều dễ dàng gì, xét về mặt tâm lý.
Còn nhớ đêm 9/11 (giờ địa phương), khi kim đồng hồ sắp nhích dần đến thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45, trong khi cử tri ủng hộ ông Donald Trump đang hò reo với chiến thắng cận kề thì truyền thông Mỹ mô tả một trạng thái cảm xúc trái ngược ở “phía bên kia”. Nơi đó, những người ủng hộ bà Clinton đã bật khóc trong tuyệt vọng. Thất vọng, choáng váng, họ cố gắng giấu cảm xúc của mình bằng mái tóc buông xõa, hoặc lấy tay che mặt. Còn giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton thì thông báo bà Clinton sẽ “không có bài phát biểu trong đêm nay”, đồng thời khuyên mọi người về nhà ngủ.
Vì lợi ích Mỹ, Tổng thống Barack Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ chuyển từ đối thủ thành… cộng sự? Xem tiếp: Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự? |
Những gì diễn ra sau đó là, tại một khách sạn nằm ở khu Manhattan của thành phố New York, phát biểu trước những cử tri ủng hộ trong suốt chiến dịch tranh cử, bà Hillary Clinton nói lời xin lỗi và… suýt khóc. Bà cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Donald Trump và đề nghị được làm việc với ông vì chính nước Mỹ. Với cử tri trẻ tuổi, bà nói: “Đừng bao giờ nghi ngờ rằng bạn là người có giá trị, mạnh mẽ và xứng đáng có mọi cơ hội trên thế giới này, để theo đuổi và đạt được các ước mơ của bản thân”.
Và bà Clinton thừa nhận: “Chúng ta nợ ông ấy (Donald Trump) một sự cởi mở về tư tưởng và một cơ hội được lãnh đạo”. Bà thừa nhận sự thất bại của mình, và nhấn mạnh rằng, việc chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử là một điều rất quan trọng. Nhưng như đã phân tích ở trên, để đi đến quyết định gọi điện chúc mừng đối thủ, đề nghị được làm việc với tân Tổng thống Mỹ, chấp nhận và thừa nhận thất bại trước đối thủ, trước những người bạn đã ủng hộ trong chiến dịch tranh cử, đối với “bông hồng nhung có gai” như bà Clinton quả không dễ dàng! Và thực tế, chính Tổng thống Barack Obama - người bạn lớn của bà là người tiếp thêm cho bà sức mạnh để làm việc này.
Bí mật nói trên vừa được tờ The Hill tiết lộ trong bài viết mới đây. Theo bài báo, ông Obama đã gọi điện thuyết phục bà Clinton thực hiện những tuyên bố cần thiết và gọi điện cho Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đây cũng là một phần nội dung nằm trong cuốn sách sắp ra mắt bạn đọc nói về sự thất bại của bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 do Crown Publishing phát hành, các tác giả Amie Parnes - phóng viên cao cấp về Nhà Trắng của The Hill và Jonathan Allen dẫn ba nguồn tin thân cận cho biết.
Cũng theo ba nguồn tin này, cho đến phút chót các cử tri có mặt tại trụ sở tranh cử của bà Clinton vẫn hi vọng ứng viên đảng Dân chủ giành phần thắng. Khi ấy, họ chờ đợi kết quả đến từ các bang chiến địa Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại bang Pennsylvania, nơi Đảng Cộng hòa thu được thắng lợi, đã trở thành “bước ngoặt”. Và ngay sau đó, ông Barack Obama đã gọi điện khuyên bà Clinton “cần thừa nhận sự thất bại”.
Tổng thống Barack Obama đã thuyết phục bà Clinton "cần thừa nhận sự thất bại"
Việc The Hill tiết lộ bí mật bất ngờ kể trên xảy ra trong bối cảnh các đối thủ tự do của ông Donald Trump đang kiến nghị tổ chức kiểm phiếu lại tại ba bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania - nơi mà ứng viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng với ưu thế phiếu không đáng kể. Cụ thể, theo Reuters, bà Jill Stein - cựu ứng viên Tổng thống của đảng Xanh đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban bầu cử Wisconsin nêu yêu cầu kiểm lại phiếu bầu trong bang. Mike Haas, lãnh đạo Ủy ban Bầu cử bang Wisconsin cho biết, bà Stein nộp đơn vào khoảng giữa chiều 25/11, tức sớm hơn hạn chót một tiếng rưỡi. Ngoài ra, bà Stein cũng cam kết nộp đơn đề nghị kiểm phiếu lại ở cả bang Michigan và Pennsylvania. Bên cạnh đó, ứng viên tổng thống độc lập Rocky De La Fuente cũng yêu cầu đếm lại phiếu ở Wisconsin.
Theo truyền thông Mỹ, dù đứng ra quyên tiền để tổ chức kiểm phiếu lại, bà Stein không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ hành động này. Bà chỉ nắm 1,1% phiếu bầu tại bang Wisconsin và 1% phiếu tại bang Pennsylvania. Trang web của bà Stein cũng khẳng định, nỗ lực kiểm lại phiếu bầu không nhằm giúp đỡ bà Hillary Clinton mà chỉ nhằm cho công chúng thấy hệ thống bầu cử Mỹ “thiếu tin cậy” như thế nào mà thôi. Bởi cùng với yêu cầu kiểm lại phiếu bầu ở ba bang chiến địa kể trên còn xuất hiện nghi ngờ rằng, khả năng kết quả kiểm phiếu tại đây (Wisconsin, Michigan và Pennsylvania) đã bị “can thiệp” bởi các tin tặc trong một cuộc tấn công mạng nhằm vào tiến trình bầu cử ngày 8/11 vừa qua.
Theo lý giải, nếu bà Clinton chỉ thắng ở Wisconsin, điều này cũng không đủ lật ngược thế dẫn trước của ông Trump, bởi nó chỉ đem lại 10 phiếu đại cử tri. Song nếu chiến thắng ở cả Wisconsin, Michigan (16 phiếu đại cử tri) và Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri) thì sẽ giúp ứng viên đảng Dân chủ giành chức Tổng thống.
Liệu con đường đến Nhà Trắng có một lần nữa rộng mở với bà Hillary Clinton, khi cuộc kiểm phiếu lại dự kiến bắt đầu vào cuối tuần sau? Và trong khi đại diện chính quyền Washington mới đây lên tiếng bác bỏ nghi ngờ về khả năng “hack phiếu bầu” ở ba bang chiến địa Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, thì có lẽ điều nên làm lúc này là chờ đợi… và cầu nguyện (với những cử tri một lòng ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ).