Chính trị

Thủ tướng yêu cầu "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để thúc đẩy tăng năng suất lao động

N.T.D 26/05/2024 14:43

Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Theo đó vào sáng 26/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2024 và là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

ewfewgwgewgwe.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Diễn đàn là cơ hội để cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao lưu với các anh, chị, em công nhân, viên chức, người lao động, cán bộ Công đoàn.

uefwwgw.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Thủ tướng chia sẻ 6 điểm chung, trong đó nhấn mạnh: yêu nghề, yêu lao động; luôn luôn học hỏi đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật vệ sinh an toàn lao động, xây dựng môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, đoàn kết; luôn luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thỏa đáng về phúc lợi xã hội, tiền lương, khen thưởng động viên kịp thời; Chính phủ, công đoàn cùng các cấp ngành liên quan cần xây dựng hệ sinh thái lao động tốt.

z5477083825594_1d9f2d48a496af436456b296b4fa2888.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với CNVCLĐ tại Diễn đàn.

Tinh thần xuyên suốt là con người là trung tâm, là mục tiêu, nguồn lực và là động lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và toàn thể người lao động cả nước.

Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động; đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.

z5477085757372_cbb05e94befd8293c52c56139b11d4a5.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động, nhờ vậy mà năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.

z5477085757319_5c902eb8928fdc458737e11da49fcecc.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Theo WB, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á .

Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.

Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động

“3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động", Thủ tướng cho biết.

“3 tiên phong” bao gồm: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

“3 bứt phá” là: Bứt phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng năng suất lao động theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ (xuất phát từ công thức: NSLĐ xã hội = GDP/Lao động bình quân trong năm). Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.

Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.

Sáu là, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; Phối hợp với Bộ LĐTBXH nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kĩ năng nghề cho người lao động; Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động và kiến nghị giải pháp phù hợp; Chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

z5477085770243_01f7e7c36556a76e5735e3dbba509f11.jpg
Trao quà của Thủ tướng Chính phủ tặng 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; Ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh. Tăng năng suất lao động, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.

Thủ tướng đề nghị toàn thể công nhân, người lao động phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội. Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc; với nhận thức sâu sắc rằng năng suất lao động gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình và mang lại lợi ích cho đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tham luận và trao đổi tại Diễn đàn đã có nhiều ý kiến của: Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương trình bày tham luận với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động quốc gia”. Chị Phùng Thị Hạnh - Công nhân Cụm ráp 2, Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10, Tập đoàn Dệt May Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"; Anh Mai Thiên Ân - Trưởng phòng Sản xuất, Công ty TNHH Intel Products (Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày tham luận với chủ đề “Rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động để có năng suất lao động”;

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động trong việc tổ chức phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề trong công nhân lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động”; Chị Trương Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Mỗi người lao động phải không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao”; Ông Phan Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam (Công đoàn Công thương Việt Nam) trình bày tham luận với chủ đề “Môi trường lao động an toàn, dân chủ, văn hóa doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng năng suất lao động”; Tiến sĩ Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tham luận với chủ đề “Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động”;

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp”; Bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trình bày tham luận với chủ đề “ Nâng cao năng suất lao động trong nền kinh tế số: Thực tiễn và giải pháp tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội”; Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của công đoàn trong thúc đẩy tăng năng suất lao động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để thúc đẩy tăng năng suất lao động