Năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, tính toán so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động. Theo nghĩa đó NSLĐ được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.
Theo số liệu NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 20.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 64,4% so với Thái Lan, 79% so với Indonesia…
Tuy vậy do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.
Mặc dù thế số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD.
Vậy là với việc tạo ra 60% GDP năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam là 53.582 USD/lao động. Ngược lại gần như 100% lao động của Singapore là làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Với con số này thì NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore chứ không phải 11,4% như ban đầu.
Như thế để tăng NSLĐ thì cần phải phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp. Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 gần như không thực hiện được chính là một yếu tố làm cho NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp như hiện nay.
Tuy vậy, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nên NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực DNNN và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI (tính toán dựa trên số liệu GDP năm 2021 và giả định tỷ lệ đóng góp vào GDP của các khu vực kinh tế năm 2021 không thay đổi đáng kể so với năm 2020).
Trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm. Những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp tổng lao động các ngành này (trừ công nghiệp chế biến chế tạo) chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm năm 2022.
Ngành Chế biến chế tạo có tỷ trọng lao động lớn (chiếm 23,25%) đóng vai trò như trung vị của NSLĐ cả nước. Đây chính là ngành động lực thúc đẩy NSLĐ của cả nước. 66,5% lao động nằm trong các ngành có NSLĐ thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt ngành Nông lâm thủy sản có NSLĐ chỉ bằng 39,73% NSLĐ bình quân cả nước nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lđ có việc làm.
Ngành bán buôn bán lẻ sửa chữa xe có động cơ cũng là nơi tạo việc làm tới 15,6% nhưng NSLĐ chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước. Như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng NSLĐ bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có NSLĐ thấp sang những ngành có NSLĐ cao hơn, đang thiếu lao động như Truyền thông thông tin, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, nghệ thuật vui chơi giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo...
Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện, từng bước nâng cao NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao NSLĐ mới có thể đứng vững, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.