Trong Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 2, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã dành hẳn Chương XIX (từ Điều 326 đến Điều 333) để quy định về “Thủ tục phúc thẩm lần 2”.
Đây là một vấn đề mới và cần thiết được đưa vào BLTTDS (sửa đổi) nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; góp phần tích cực vào việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) có nội dung bao quát và toàn diện
Là cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi), TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo; tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi); tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS hiện hành. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đã nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia về TTDS; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về các nội dung có liên quan; đánh giá tác động của Dự án BLTTDS (sửa đổi)... Sau khi xây dựng Dự thảo 1 BLTTDS (sửa đổi), Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân; ý kiến của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xây dựng Dự thảo 2.
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) được bố cục thành 8 phần, 37 chương, với 472 điều. So với BLTTDS hiện hành, Dự thảo 2 BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên 257 điều, sửa đổi 154 điều, bổ sung 61 điều, bãi bỏ 13 điều. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản và toàn diện nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng như các luật có liên quan. Về tổng thể, Dự thảo đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong đó, xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các nhà khoa học và chuyên gia pháp lý đóng góp ý kiến đối với Dự thảo BLTTDS (sửa đổi)
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) quy định những nguyên tắc cơ bản trong TTDS; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật…
Quy định thủ tục phúc thẩm lần 2 là cần thiết
Một điểm rất mới trong Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 2 mà Ban soạn thảo và Tổ biên tập đưa vào, đó là “Thủ tục phúc thẩm lần 2” được quy định tại Chương XIX (từ Điều 326 đến Điều 333). Về phạm vi áp dụng thủ tục phúc thầm lần 2 được áp dụng đối với bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Chương này. Đương sự hoặc người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao để yêu cầu TAND cấp cao giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm lần 2. Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao để yêu cầu TAND cấp cao giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm lần 2. Bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao được tạm dừng thi hành khi có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm lần 2 cho đến khi có bản án, quyết định phúc thẩm lần 2. Dự thảo quy định rõ: Hội đồng xét xử phúc thầm lần 2 gồm 3 Thẩm phán là thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao. Thẩm phán đã tham gia xét xử phúc thẩm lần 1 thì không được tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm lần 2 đối với cùng vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm lần 2 có hiệu lực thi hành và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Việc đưa phương án xét xử phúc thẩm lần 2 vào Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) là hoàn toàn cần thiết. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngay sau khi kết thúc phiên tòa dân sự phúc thẩm thì bản án có hiệu lực pháp luật và bắt buộc các tổ chức, cá nhân, những người có quyền lợi liên quan có nghĩa vụ phải thi hành. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, nhưng rất nhiều đương sự hoặc người đại diện của đương sự chưa "tâm phục, khẩu phục". Lúc này họ không còn quyền kháng cáo bản án phúc thẩm mà chỉ có quyền làm đơn đề nghị những người có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị bản án phúc thẩm để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trên thực tế, có những vụ án, khi có kháng nghị và có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì có đương sự đã chết, tài sản đã được thi hành, Thẩm phán xét xử phúc thẩm thì về hưu... nhiều vụ không thể khắc phục được sai sót của bản án phúc thẩm. Theo Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) thì khi có "kháng cáo phúc thẩm lần 2" thì bản án phúc thẩm lần 1 chưa có hiệu lực pháp luật, như vậy sẽ hạn chế được hậu quả mà bản án phúc thẩm lần 1 có sai sót.
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) thì: Việc đưa thủ tục phúc thẩm lần 2 vào Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) là để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án nhanh gọn, liên tục, hạn chế các trường hợp khiếu kiện phức tạp kéo dài và tránh tình trạng quá tải trong việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của TANDTC. Thủ tục phúc thẩm lần 2 thực ra nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Ban soạn thảo đã đưa vấn đề này vào Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) theo như kinh nghiệm của các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến như Nhật Bản và Cộng hòa Pháp...
Như vậy, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) dành hẳn Chương XIX quy định về thủ tục phúc thẩm lần 2 là cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đảm bảo Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.