Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “cái kho” để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách; hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ thẳng thắn tại Hội thảo Tổng kết công tác thư viện năm học 2018-2019 định hướng xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD- ĐT phối hợp với tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - Room to read (RTR) tổ chức.
Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đánh giá cao vai trò, vị trí của thư viện trong công tác dạy – học ở các nhà trường phổ thông nói riêng và cả hệ thống giáo dục nói chung.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Từ năm 1998, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông, nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá 8 về xây dựng một nền giáo dục chuẩn hoá. Năm 2003, Bộ tiếp tục ban hành Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT về Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông, trong đó đề ra các các tiêu chuẩn quan trọng cho một thư viện như: số lượng đầu sách, cơ sở vật chất (diện tích phòng thư viện, quy định bàn ghế, máy tính…), cán bộ thư viện, công tác quản lý quản trị, tổ chức hoạt động của thư viện.
“Yêu cầu tối thiểu cho một trường học đạt chuẩn quốc gia là phải có thư viện đạt chuẩn. Vai trò của thư viện theo đó được nâng cao. Các tỉnh/thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo 01, đi kiểm tra công nhận các trường học đạt chuẩn quốc gia, thư viện đạt chuẩn”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Con số 100% trường Tiểu học trên cả nước (13.994 trường) đều có thư viện; trong đó nhiều địa phương như thành phố Hà Nội có hơn 1.000 thư viện đạt chuẩn trên khoảng hơn 1.000 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, theo Thứ trưởng Độ đây là minh chứng mạnh mẽ cho sự quan tâm của ngành Giáo dục và các địa phương đối với việc phát triển và phát huy hiệu quả vai trò của thư viện trong trường học.
Theo Thứ trưởng Độ, trong những năm vừa qua, các thư viện trường học đã phát huy được vai trò, tác dụng của mình, nhất là với cấp Tiểu học khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Theo đó, song song với các giờ học trên lớp, học sinh có giờ học tại thư viện với những mô hình dạy học tích cực, phương thức giáo dục mở, thân thiện, giúp học sinh được tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức. Đây cũng là tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới khi chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và một trong những năng lực cốt lõi là tự học, tự chủ.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thư viện tại các trường học Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế và phát triển chưa đồng bộ. Ở một số địa phương khó khăn, số phòng học còn hạn chế nên việc dành riêng cho học sinh một phòng đọc phải cân nhắc kỹ lưỡng, việc đầu tư cải tạo thư viện phù hợp với hoạt động của học trò cũng không dễ thực hiện. Đa số các trường hiện nay sử dụng thư viện chung cho cả giáo viên và học sinh. Trang thiết bị cơ sở vật chất và nguồn học liệu của một số thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thầy trò nhà trường. Một số nơi chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện, khiến hoạt động vận hành thư viện chưa phát huy hết hiệu quả.
“Một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “cái kho” để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách; hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm ở không gian này”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng đồng thời cho biết, sau 16 năm triển khai, Quyết định 01 về Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông đã có những nội dung không phù hợp với thực tế hiện nay. Do đó, Bộ GDĐT đang xây dựng các văn bản mới quy định tiêu chuẩn cơ sở chất lượng trường học, trong đó có tiêu chuẩn về thư viện đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.