Chính trị

Thống nhất bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là đối tượng cảnh vệ

Duy Tuấn 03/06/2024 - 19:41

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 3/6, các đại biểu Quốc đã hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ

Cho ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, dự thảo luật mở rộng đối tượng cảnh vệ là con người, đại biểu nhận thấy rất cần thiết, vì Thường trực Ban Bí thư là người điều hành các công việc hàng ngày, cao cấp của Đảng, Nhà nước; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là người đứng đầu cơ quan tư pháp, thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nên bổ sung là phù hợp.

tovantam.jpeg
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, việc bổ sung đối tượng cảnh vệ đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC vào đối tượng cảnh vệ, "là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở".

nguyenhaianh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu cũng thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại 1 kỳ họp; đánh giá hồ sơ dự án luật bảo đảm đầy đủ theo quy định, đồng thời, việc thông qua dự án luật sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Cần có chế độ, chính sách thỏa đáng cho lực lượng cảnh vệ

Theo đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, việc dự thảo luật quy định bổ sung áp dụng công tác cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là cần thiết.

cv1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Cụ thể, trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều này.

Đại biểu nhấn mạnh, "công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế". Do đó, tùy tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là "phù hợp".

phanthikieu.jpeg
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, yêu cầu rất cao về áp lực công việc. Do đó, "cần phải quan tâm, có các chế độ, chính sách thỏa đáng như tiền lương, nhà ở..., đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là đối tượng cảnh vệ