Chính trị

Chính phủ đề xuất Chánh án TANDTC là đối tượng cảnh vệ

Duy Tuấn 20/05/2024 - 17:44

Cùng với Thường trực Ban Bí thư và Viện trưởng Viện KSNDTC, Chính phủ đề xuất bổ sung Chánh án TANDTC là đối tượng cảnh vệ.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, các Đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017.

Bổ sung 3 chức danh là đối tượng cảnh vệ

Trình bày tờ trình Dự án Luật Cảnh vệ sửa đổi, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ năm 2017 và tình hình thực tiễn hiện nay cho thấy "cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC".

lam1.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.

Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân.

Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Kết luận này bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao như Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

"Tuy nhiên, Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định những chức danh này là đối tượng cảnh vệ. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

lam3.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Từ những căn cứ đã nêu, Dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi bổ sung 3 chức danh vào nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC.

Phù hợp với tầm quan trọng trong hệ thống chính trị

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí với việc bổ sung 3 chức danh vào nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC.

Quy định này nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

"Đề xuất bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên còn phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nói.

lam2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Theo quy định hiện hành tại Luật Cảnh vệ năm 2017, đối tượng cảnh vệ là con người tại Việt Nam, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội và Phó thủ tướng Chính phủ.

Các biện pháp cảnh vệ sẽ được áp dụng bao gồm: bảo vệ tiếp cận; tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi làm việc và nơi ở; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đề xuất Chánh án TANDTC là đối tượng cảnh vệ