Hiện nay, khi thời tiết giao mùa là thời điểm khiến bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, bệnh có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời có biện pháp phòng chống.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận 34.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành. Trong đó có 20.063 ca phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. So với cùng kì năm trước thì số bệnh nhân nhập viện do bệnh tay chân miệng đã giảm đi 1,9%. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây số bệnh nhân mắc bệnh lại tăng cao.
Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có hơn 100 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Còn tại TP.HCM, con số này cao hơn rất nhiều, khoảng 3000 ca. Thời gian gần đây, mỗi tuần các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận khoảng 170 bệnh nhân bị tay chân miệng.
BS đang điều trị cho một bệnh nhi bị chân tay miệng trường hợp nặng.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, trước dự báo từ nay đến cuối năm số ca mắc tay chân miệng sẽ tăng cao, trung tâm đã tiến hành cấp phát hóa chất và yêu cầu các quận, huyện tổng vệ sinh trường học, phun hóa chất khử khuẩn, đảm bảo môi trường học đường sạch sẽ trước khi học sinh tựu trường.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da; chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và chăm sóc trẻ.
Các gia đình và trường học, nhất là trường mầm non cần thường xuyên lau sạch bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, gia đình cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất…
Đã vào thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, nên dự báo bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, trường học. Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa nên việc rửa tay với xà phòng là vô vùng quan trọng. Rửa tay với xà phòng dù không thể diệt được virus nhưng sẽ làm virus trôi đi, hạn chế việc mắc bệnh. PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng |