Đó là ý kiến của một số ĐBQH về câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đối với việc xử phạt hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng. Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị Bộ trưởng phối hợp với địa phương để trả lời thoả đáng.
Việc xử phạt hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng là trong những nội dung thu hút sự quan tâm tranh luận của nhiều đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trong phiên chất vấn Quốc hội diễn ra chiều ngày mùng 5 và sáng ngày 6/6.
Mức xử phạt vi phạm tại chùa Ba Vàng là quá nhẹ
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện diễn ra chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập việc xử phạt với hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tác động vụ việc gây ra.
“Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này đủ sức răn đe chưa, biện pháp gì để tránh tái diễn những việc như ở chùa Ba Vàng và những nơi tâm linh khác”, đại biểu chất vấn.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, vụ việc ở chùa Ba Vàng là vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hoá. "Chúng ta cần lên án và cần xử lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Song về việc xử lý, Bộ trưởng cho biết chính quyền địa phương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hoá 5 triệu đồng.
“Theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, đây là mức phạt cao nhất”, Bộ trưởng nói và thừa nhận phạt tiền 5 triệu đồng là rất nhỏ nhưng 100 triệu có lẽ cũng không phải số tiền lớn. Quan trọng hơn, Bộ trưởng cho rằng phải làm thế nào để chúng ta lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức. “Kết hợp giữa xử phạt và dư luận xã hội lên án thì tốt hơn”, Bộ trưởng Thiện nói.
Tranh luận lại vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Đại biểu cho rằng việc xử phạt rất nhẹ.
“Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ Bà cũng muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự bà Yến
Sáng 6/5, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện hành vi mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hóa dẫn điều 24 Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, không ai được xâm phạm hay lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng, bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu của nhân dân, xã hội luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên vừa qua có một số cá nhân lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.
Với vấn đề này, Bộ trưởng Thiện cho biết pháp luật sẽ xử lý và dư luận xã hội sẽ lên án vì vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ông cũng cho biết Bộ văn hóa sẽ thực hiện một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản ngăn ngừa mê tín dị đoan, lên án, phê phán hành vi mê tín dị đoan.
Nhắc đến trường hợp bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Chủ tịch TP Uông Bí đã xử phạt hành chính với bà Yến mức cao nhất là 5 triệu đồng. “Và nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan”, Bộ trưởng Thiện nói.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra vi phạm trong hoạt động văn hóa. Với các văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa mê tín dị đoan thì có Luật Tôn giáo tín ngưỡng, cấm lợi dụng tôn giáo để trục lợi, và một số nghị định quy định mức xử phạt hành chính. Bộ trưởng Thiện cho rằng nếu làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý thì hiện tượng như đại biểu nêu sẽ giảm bớt và chấm dứt.
Đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa Luật tín ngưỡng tôn giáo
Phát biểu làm rõ thêm về vụ việc chùa Ba vàng, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết từ ngày 20 - 28/3 vừa qua, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh, Ban Hội đồng Trị sự của Hội Phật giáo Việt Nam có nhiều văn bản báo cáo gửi các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo với Chính phủ nội dung này. Qua xác minh, làm việc với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo, từ đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
“Sau khi xử lý những cá nhân liên quan, dư luận đã lắng xuống, đa số đồng thuận với cách giải quyết của Hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc xử lý kịp thời của Hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền TP Uông Bí, các bộ, ngành liên quan đã tạo niềm tin trong tăng ni, tín đồ phật tử, nhất là quần chúng nhân dân với Phật giáo Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu làm rõ thêm về vụ việc chùa Ba vàng
Để khắc phục những tình trạng nêu trên, tăng cường quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một số biện pháp.
Thứ nhất, tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Nghị định xử phạt hành chính các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tôn giáo để làm lệch chuẩn đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho người dân, các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành, đặc biệt là tín đồ tôn giáo.
Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý tôn giáo; kỹ năng, kiến thức chuyên ngành để tham mưu tốt cho chính quyền địa phương trong quản lý tôn giáo.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm.
Tại phiên chất vấn sáng 6/6, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cũng tranh luận lại việc xử phạt sai phạm tại chùa Ba vàng cho rằng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chưa thoả đáng chất vấn của đại biểu, khi chỉ nói đến trách nhiệm của địa phương mà không nói đến trách nhiệm quản lý của ngành. Về trả lời của Bộ trưởng liên quan vụ chùa Ba Vàng, đại biểu cho rằng cùng chưa thoả đáng. “Bộ trưởng nói vi phạm đó xử lý ở mức cao nhất rồi. Nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa”, đại biểu đề nghị. Cũng theo đại biểu, hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính với 2 lý do: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan. Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp cũng cho rằng riêng vấn đề này, Bộ trưởng đã trả lời nhiều nhưng thật sự chưa thoả đáng. “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với địa phương để trả lời thoả đáng”, bà Ngân nói. |