Triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW: Cấp bách và cần sự quyết tâm lớn

Thu Vân| 17/04/2018 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã đến lúc CBCCVC và người lao động các cấp, ngành cần có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, quyết liệt hành động nhằm tạo ra sự đột phá đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL.

Triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW: Cấp bách và cần sự quyết tâm lớn

Ảnh minh hoạ

Nghị quyết 19-NQ/TW được ban hành cuối năm 2017, nhằm tạo ra bước đột phá trong đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Trước nhu cầu thực tiễn và việc ra đời của Nghị quyết, thời điểm này đang được các nhà lãnh đạo, quản lý khẳng định là thời điểm chín muồi để triển khai tạo ra bước đột phá. 

Nỗ lực nâng cao chất lượng ĐVSNCL từ NĐ 16/2015/NĐ-CP

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, có đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Quá trình đổi mới ĐVSNCL được khởi động từ việc thực hiện thí điểm chế độ tài chính áp dụng cho ĐVSNCL có thu theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ, tiếp theo đó là Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL.

Đặc biệt, Nghị định 16/2015/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 43/2006/NĐ-CP được đánh giá có những điểm đổi mới, khắc phục được những hạn chế của Nghị định 43. Những đổi mới thể hiện rõ ở việc phân loại ĐVSNCL được dựa trên mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, căn cứ vào mức độ tự đảm bảo kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên, ĐVSNCL được phân chia thành 4 loại khác nhau.

Từ đó, việc tự chủ về tài chính của các đơn vị được quy định tương ứng với từng loại hình ĐVSNCL, trên nguyên tắc các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao. Quy định này nhằm khuyến khích các đơn vị tăng thu, giảm dần bao cấp từ NSNN, trong đó có bao cấp tiền lương tăng thêm, để dần chuyển sang các loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Hay việc các ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được giao quyền tự chủ khá rộng như: Được quyết định số lượng người làm việc; Được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định; Được tự quyết định mức trích quỹ bổ sung thu nhập mà không bị không chế mức trích Quỹ bổ sung thu nhập như các loại hình ĐVSN khác...

Mặc dù vậy, việc tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và gặp không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Những hạn chế, yếu kém chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình.

Nhiều cấp ủy đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các ĐVSNCL; chưa chủ động chuyển các ĐVSNCL sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật chưa thường xuyên; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công còn phổ biến.

Đổi mới toàn diện hệ thống các ĐVSNCL

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.

Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; Cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2021, giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% ĐVSNCL; Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 - 2015…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL; Sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực; Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các ĐVSNCL; Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công; Nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL; Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các ĐVSNCL; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với quản trị ĐVSNCL và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thời điểm chín muồi

Đánh giá việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ, hoạt động của ĐVSNCL gắn với hệ thống hành chính, doanh nghiệp, đoàn thể nên còn nặng tính bao cấp, “tâm lý trông chờ vào Ngân sách và Nhà nước”, đặc biệt là chất lượng dịch vụ công còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của xã hội. Không những thế, tình trạng tham ô, lãng phí trong các ĐVSNCL không phải là ít.

Theo những số liệu mới nhất, hiện cả nước có 57.995 ĐVSNCL với tổng biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% tổng số biên chế. Chi lương cho các ĐVSNCL chiếm tới gần 40% tổng quỹ lương của Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 12.968 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do Ngân sách Nhà nước bảo đảm hoàn toàn hoạt động.

Trước đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn, cùng việc Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết 19 về các ĐVSNCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ĐVSNCL đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách - phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Nghị quyết 19 không phải cắt xén đầu mối mà mục đích cao nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công; xã hội hoá dịch vụ công không đi với thương mại hoá dịch vụ công, nhất là đối với giáo dục và y tế.

“Đặc biệt, mục tiêu của Nghị quyết là giảm các đầu mối ĐVSNCL và giảm biên chế hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.

Việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã đến lúc nhiệm vụ này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, ngành cần có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động một cách quyết liệt nhằm tạo ra sự đột phá đối với việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW: Cấp bách và cần sự quyết tâm lớn