Hà Nội tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 4-1, Thường trực HĐND-UBND Tp. Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ban Chỉ đạo tổng kết Hiến pháp Trung ương Phùng Quang Thanh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và đại diện các sở, ban ngành của thành phố.

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Cần đánh giá đúng những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành Hiến pháp (Ảnh: TL)


Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã trình bày báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp và báo cáo chuyên đề về vấn đề phân cấp giữa Trung ương và địa phương, đặc thù quản lý nhà nước đối với Thủ đô. Theo đó, để việc phân cấp đạt hiệu quả, cần quy định cụ thể hơn, rõ hơn những nội dung, những lĩnh vực cần phân cấp trong Hiến pháp sửa đổi tới đây, tránh việc phải quy định nội dung này ở văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ hoặc của bộ, ngành.


Với vị trí, vai trò có tính đặc thù Hà Nội là Thủ đô của cả nước, ông Khanh đề nghị: Đối với những tuyến đường cũ cần phải cải tạo nhằm chỉnh trang đô thị thì Tp. Hà Nội có trách nhiệm lập dự án để quy hoạch lại, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc. Các dự án phát triển mới tuyến đường phải ưu tiên cho người dân được tái định cư tại chỗ, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi mà có dự án, sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được thực hiện dự án. Hà Nội cũng đề xuất không xây mới trường học, cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện; cần có điều kiện nhập cư chặt chẽ hơn, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực cao hơn so với cả nước, cho phép Hà Nội thu phí, lệ phí cao hơn mức trần quy định chung trong phạm vi cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông...


Phó Giám đốc Công an Tp. Hà Nội Lưu Quang Hợi cho rằng, Hiến pháp 1992 chưa điều chỉnh quy trình miễn nhiệm cho các chức danh Quốc hội bầu. Chưa có cơ chế hữu hiệu để Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh. Như việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, cần có sự đánh giá việc thí điểm này để có quyết định rõ ràng, nếu quyết định không tổ chức HĐND cấp quận huyện, cần ghi nhận rõ trong Hiến pháp.


Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu vấn đề về việc tổ chức HĐND cấp quận, huyện hiện nay cần nhanh chóng tổng kết xem cái gì chưa được, cái gì được để hoàn thiện. Nếu bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường thì chức năng mà bấy lâu nay cơ quan này đảm nhiệm ai sẽ làm, làm ra sao. Tất cả hiện nay chỉ dừng lại ở ý định chung chung chứ chưa có thiết kế rõ ràng để so sánh tính lợi hay bất lợi của đề xuất này.


Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, tính đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết và có báo cáo với Ban chỉ đạo. Công tác tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Tp. Hà Nội đã phát huy được tính dân chủ, lấy ý kiến được của mọi tầng lớp nhân dân. Hà Nội tiếp tục bám sát cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, Nghị quyết số 05 ngày 12-7-2011, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp để hoàn chỉnh báo cáo tổng kết của mình. Việc tổng kết thi hành Hiến pháp cần được tiến hành thực sự có chất lượng để Hiến pháp được xây dựng theo hướng ổn định, lâu dài, có tính bền vững phù hợp với giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992