"Nóng" nghị trường Quốc hội chuyện tinh giản biên chế

Trọng Bằng| 07/11/2019 18:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tinh giản biên chế là một chủ trương đúng, Nghị quyết đã được ban hành và được cả hệ thống chính trị triển khai, tuy nhiên nhiều vướng mắc trên thực tiễn khiến các đại biểu băn khoăn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, chiều ngày 7/11.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm rõ thêm vấn đề tại phiên chất vấn

Chỉ 30% cán bộ làm việc, sao không tìm được người giảm biên chế?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) về con số 0,63% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hiện nay có đúng thực chất hay không, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết theo số liệu báo cáo từ 40 tỉnh, thành gửi về, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%; mức hoàn thành xuất sắc; hoàn thành tốt khoảng 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%.

Song ông thừa nhận đánh giá và phân loại như thế này là chưa chính xác. Nguyên nhân do các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc, chủ yếu thiên về tình cảm, đánh giá một cách chung chung với nhau.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nêu thực tế nhiều lãnh đạo chấm điểm về thái độ công vụ của công chức trong cơ quan nhưng còn mang cảm tính, có sự nể nang. “Nói thật với các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo ít khi nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ lắm. Tôi hơn mười năm làm lãnh đạo thấy từ cấp tỉnh trở lên các đồng chí chưa có bản tự kiểm nào. Tôi đánh giá tôi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh em nói nếu Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng mà không hoàn thành thì chúng em làm gì có hoàn thành”, ông Tân nói.

Nhưng ông cũng “tâm sự” nhiều khi thấy áy náy quá vì “đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc”. Việc này, theo ông Tân là do tâm trạng nể nang, có tình cảm với nhau. Vì vậy tới đây sẽ sửa đổi theo hướng đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, dưới đánh giá trên và đánh giá phải bằng những sản phẩm cụ thể.

“Tôi nói nghiêm túc đánh giá cán bộ gì đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Trong khi đó dư luận xã hội nói chỉ có 30% cán bộ làm việc mà tại sao không kiếm được người để giảm biên chế?”, ông Tân đặt vấn đề và cho rằng phải làm nghiêm túc, công khai trong đánh giá cán bộ.

Bức xúc tình trạng giảm biên chế theo kiểu cào bằng

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng với vấn đề biên chế ngành giáo dục và y tế, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tranh luận: “Không rõ là Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới mà đến thời điểm này thì văn bản chỉ đạo chưa có và kỳ thi viên chức giáo dục của một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, mà đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đưa ra “bức tâm thư kêu cứu” của một giáo viên hợp đồng giảng dạy ký năm một trong suốt 14 năm qua lại bị chấm dứt hợp đồng ngay tại hội trường Quốc hội và chia sẻ: “Có lẽ giờ đây những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải đang mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng là văn bản chỉ đạo ấy bao giờ soạn thảo và trình ký?".

Trả lời tranh luận của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng khẳng định: “Sáng nay, tôi có nói là chiều hôm qua, tôi đã ký văn bản này, và ngày hôm nay đề nghị phát hành gửi ngay 63 tỉnh, thành và trả lời cho TP Hà Nội giải quyết vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng và được cấp thẩm quyền cho phép trước ngày 31/12/2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy sẽ được xét chuyển thành biên chế công chức”. Như vậy, theo Bộ trưởng, “có thể ngày nay phát hành, ngày mai các tỉnh làm”…

Còn bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế?

Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế và tổ chức bộ máy. Bộ Nội vụ đã giảm được bao nhiêu đầu mối và bao nhiêu biên chế. Vấn đề cấp phó của tỉnh vẫn còn cào bằng”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, “với các tỉnh lớn đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An cũng bằng các tỉnh khác thì có đúng không”?

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong báo cáo của Bộ Nội vụ về thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có ghi rất rõ về vấn đề tinh giản biên chế. Nhưng riêng số liệu của mỗi bộ về tinh giản biên chế bao nhiêu, Bộ trưởng “xin phép ĐBQH sẽ gửi bằng văn bản về số liệu thống kê cụ thể, vì chưa nắm tình hình của từng đơn vị riêng”.

Đối với việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã giải thể một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là đơn vị trực thuộc Bộ và sắp xếp cơ cấu cấp phòng. Bộ Nội vụ đã giảm 14 phòng, hiện nay không có vụ nào còn phòng.

Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã giảm cơ cấu bên trong của 19 đơn vị trực thuộc, trong đó đã giảm tất cả 3 đơn vị đào tạo của các đơn vị trực thuộc, gom chức năng, nhiệm vụ đào tạo của các đơn vị trực thuộc này về cho Học viện hành chính quốc gia”. Vì vậy, “nếu sắp xếp theo Quyết định 705 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị đào tạo đối với các bộ, ngành Trung ương, Bộ Nội vụ là đơn vị tiên phong làm đầu tiên”, Bộ trưởng khẳng định. 

Bộ trưởng cũng cho biết, biên chế của Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, nếu tính số giảm biên chế của Bộ “tổng cộng đến giờ này có 76 người, tức là đạt trên 10%”. Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức “chúng tôi vừa rồi đăng ký giảm 15%, hiện còn 64 biên chế chưa nhận, để giải quyết trường hợp những đơn vị nào thiếu đột xuất sẽ lấy từ số lượng biên chế dự phòng này”. Như vậy, mục tiêu đến năm 2021 theo quy định, Nghị quyết 39 chỉ cần giảm 10% Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%, Bộ trưởng cho biết. 

Ông nhấn mạnh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn quan trọng được đề cập trong các Nghị quyết số 18,19,26, 27 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Là vấn đề khó khăn, phức tạp phải có bước đi phù hợp, thận trọng

Trong 8 phút cuối buổi chiều nói rõ thêm những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ đối với vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, tổ chức bộ máy hành chính một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán.

Đặc biệt một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao; còn tình trạng tham nhũng vặt; công tác thực thi chính sách pháp luật còn chưa hiệu quả; vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất, số liệu chưa thuyết phục. Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý.

Nhấn mạnh vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức, con người và rất phức tạp do giải quyết những vấn đề lịch sử để lại, ông Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải đảm bảo hợp tình hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý.

“Săp xếp, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới, trong các giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta đã tiến hành một số lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" nghị trường Quốc hội chuyện tinh giản biên chế