Nhìn lại 5 ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Trọng Bằng| 12/05/2018 09:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 5 ngày diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, theo đúng kế hoạch, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII sẽ bế mạc hôm nay (12/5) tại Hà Nội.

Nhìn lại 5 ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII diễn ra từ ngày 7-12/5. Trong những ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. 

Công khai minh bạch công tác cán bộ để chống "chạy chức, chạy quyền"

Thảo luận tại Hội trường, các vị Ủy viên Trung ương đều đánh giá cao Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình tại Hội nghị Trung ương lần này; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Các ý kiến phát biểu tập trung vào khâu đánh giá cán bộ, cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo, đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng. Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu.

Ông Lê Văn Chấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai, nhận xét Đảng đã nhận thấy những khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua, cần phải nghiêm túc tìm ra các biện pháp để khắc phục, sửa chữa. Cái tốt hiện nay là lòng dân thống nhất cao với Đảng và Đảng đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và dân tộc. Những vấn đề như chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Đảng viên Đặng Hữu Hào, cựu chiến binh quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng công tác cán bộ là vấn đề lớn, quyết định đến sự thành, bại của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Hào phân tích, cán bộ giỏi là người trải qua thực tế, am hiểu lĩnh vực phụ trách và hoạt động tốt các phong trào, được cơ sở tín nhiệm, tin yêu.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề, mới giải quyết được tình trạng "chạy chức, chạy quyền".

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ để giải quyết bài toán cục bộ địa phương, hạn chế được tình trạng "con ông, cháu cha."

Ông Nguyễn Văn Rua, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, đánh giá cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định mọi vấn đề của đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Đảng luôn chăm lo và hết sức quan tâm đến công tác cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế.

Thời gian tới, Đảng cần đề ra những giải pháp đủ mạnh để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất đạo đức, có uy tín và năng lực ngang tầm nhiệm vụ được giao; đó phải là những cán bộ có tâm và có tầm.

Ông Mã Tuấn, Bí thư Chi bộ Tổ 8, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku (Gia Lai), mong Trung ương ra được nhiều chính sách đúng hơn nữa để ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống; khuyến khích và trọng người tài, xóa bỏ bất công, tham nhũng.

Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo

Thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện Đề án.

Các đại biểu bày tỏ đồng tình với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Đề án, trong đó có việc xác định tiền lương là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm, hiện chính sách tiền lương dù đã cải cách nhưng vẫn chưa tạo được động lực đủ mạnh cho người hưởng lương để phát huy tài năng và cống hiến, không thu hút được nhân tài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Đề án cải cách tiền lương đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần này cần phải có những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Ông Đỗ Như Thuần - Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng - cho biết vấn đề cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của nhân dân. Thực tế cho thấy nhiều công chức, viên chức do mức lương thấp, phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống nên sự tâm huyết với công việc là chưa cao. Do đó, Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo ông Thuần, cần tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng quỹ lương, góp phần tạo động lực để các cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Qua thảo luận nhiều đại biểu cũng cho rằng, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động…

Mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân

Để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Ông Phan Văn Quảng, nguyên Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, thấy rằng cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH ảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử phạt...

Về mở rộng diện bao phủ đóng BHXH, ông Bùi Hữu Phong - nguyên Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - cho rằng lượng công nhân tại tỉnh Bình Dương rất lớn, khi nghỉ việc họ chấp nhận trợ cấp một lần cho trước mắt mà không tính lâu dài.

Đối với doanh nghiệp trốn đóng hoặc dây dưa không chịu đóng BHXH, đề nghị Nhà nước cần có chính sách phạt thật nặng vì đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Về chi trả quỹ BHXH ở doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả, khi về hưu thì trách nhiệm thuộc bưu điện xã. Nếu người nào đau ốm, bệnh tật không đi được thì bưu điện xã phường đến trực tiếp gia đình chi trả, không tính chi phí. Về mức tiền phải đóng, để dễ dàng, thuận tiện cho người dân cần quy định đóng 6 tháng, 12 tháng..., không nhất thiết phải bằng lương tối thiểu cơ sở.

Việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, đây là là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay. Việc này nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm cân đối quỹ BHXH... Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tuổi nghỉ hưu thực tế của chúng ta hiện nay thấp nhất trong khu vực. Bình quân của chúng ta là 54,3 (nam là 55,6, nữ có 52,6 tuổi). Mức đóng bình quân của chúng ta là 22%, mức hưởng 70% trung bình. Nam đóng bảo hiểm hiện nay bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm hưởng 27 năm sau khi về hưu. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó thì rất khó khăn.

Vì vậy, đề nghị Trung ương có quyết tâm chính trị rất lớn. Đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này. Trước hết, về chọn thời điểm, trong tờ trình Trung ương xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021 và những người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025, thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vao giai đoạn dân số già. Đồng tình với quan điểm nâng tuổi nghỉ hưu nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng.

Bầu bổ sung 2 nhân sự vào Ban Bí thư

Cũng trong Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII; bầu ông Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Phú Yên giữ chức Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII gồm: Ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.

Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 5 ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7 khóa XII