Người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng

Phương Nam| 18/06/2018 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, hơn bao giờ hết, báo chí càng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết.

 Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng

Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đều khẳng định rõ nhiệm vụ phải xây dựng đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực báo chí cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ, phẩm chất đạo đức. Hơn lúc nào hết, trước những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội hiện nay, những người làm báo cần phải thấm nhuần những lời dạy của Bác đối với mình: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

Người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng

Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên Báo Nhân dân, năm 1957

Về phẩm chất chính trị, V.I. Lê-nin đã đề ra yêu cầu đối với những người làm báo vô sản: “Tất cả các cơ quan báo chí của Đảng phải do những người vô sản đáng tin cậy, đã tỏ rõ lòng trung thành với cách mạng vô sản biên soạn”. Đứng vững trên quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Đây là tư tưởng bao trùm, quán xuyến của Hồ Chí Minh về người làm báo.

Người nói về tư cách chiến sĩ của nhà báo: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Bác nhắc nhở: Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Bác căn dặn: Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ ràng đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. 

Về phẩm chất đạo đức, Bác luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng thỏa mãn “cho bài mình là tuyệt rồi”, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị. Bác phê phán: Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bác dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa, và chỉ ra 8 biểu hiện của nó là: Dài dòng, rỗng tuếch; Có thói cầu kì; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ. Bác đã đưa ra 5 cách chữa thói ba hoa:  Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách; Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu;  Khi viết khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được. Làm cho quần chúng đều hiểu đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”; Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận… Tất cả những vấn đề này đều đỏi hỏi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đối với người làm báo.

 Về tư cách người làm báo,  Bác chỉ rõ: Nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, không gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội của người làm báo

Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo phải đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu… Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Để làm tốt trách nhiệm xã hội của một người làm báo, Bác yêu cầu nhà báo phải xác định rõ đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là để phục vụ nhân dân. Nhà báo phải cùng với đồng bào, đồng chí cả nước tận tâm, tận lực phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp “xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới”.

 Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu, hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội.

Với kinh nghiệm của một người viết báo lâu năm, bên cạnh những lời dạy nghiêm túc về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, Bác còn đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo. Trình độ chuyên môn là nhân tố hàng đầu làm nên tính chiến sĩ với “bút sắc” trong tay. Bác nhắc nhở: Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành. Người đòi hỏi nhà báo “viết phải thiết thực”, “nói có sách, mách có chứng”, “từ là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào… “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.

Yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong điều kiện xã hội ngày một phát triển đòi hỏi nhà báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có được những phẩm chất ngang tầm là vấn đề trước hết thuộc về chủ thể của báo chí-nhà báo. Mệnh lệnh của Bác là: Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn. Đó là yêu cầu về phẩm chất của người cách mạng nói chung, người làm báo cách mạng nói riêng. Muốn có được phẩm chất này phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học.        

Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của nhà báo cách mạng, Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”.

Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng