Thổ Nhĩ Kỳ muốn dạy cho Hà Lan một bài học về “ngoại giao quốc tế”

Hà Kim| 13/03/2017 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Amsterdam, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Hà Lan sẽ phải trả giá vì làm tổn hại đến quan hệ song phương.

Reuters dẫn lời Tổng thống Erdogan hôm nay nhấn mạnh trong bài phát biểu tại một buổi lễ trao giải ở thành phố Istanbul rằng: "Họ chắc chắn sẽ phải trả giá và nhận được một bài học về ngoại giao. Chúng ta sẽ dạy họ về ngoại giao quốc tế",

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Hà Lan cho đến khi Amsterdam xin lỗi về vụ tranh cãi ngoại giao này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng căng thẳng sau khi Amsterdam ngăn không cho máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đến Rotterdam dự mít tinh ngày 11/3. Chính phủ Hà Lan cho biết, chuyến bay bị từ chối vì "trật tự công cộng và quan ngại an ninh".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dạy cho Hà Lan một bài học về “ngoại giao quốc tế”

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dạy cho Hà Lan một bài học về “ngoại giao quốc tế”

Tiếp đó, ngày 12/3, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã bị hộ tống trở lại biên giới Đức sau khi vị quan chức này cố gắng đến Rotterdam.

Động thái trên của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hành động đáp trả mạnh tay với hành vi không thể chấp nhận này.

Được biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang nỗ lực tiếp cận bộ phận người Thổ sống ở châu Âu, đặc biệt ở Hà Lan và Đức, để giúp ông chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý tháng tới trao nhiều quyền hơn cho tổng thống.

Trong khi đó các nước châu Âu, đặc biệt là Hà Lan và Đức không muốn các chính trị gia Thổ vận động tại nước mình vì lo ngại căng thẳng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cộng đồng người Thổ trong nước họ, vốn cả ủng hộ lẫn phản đối ông Erdogan.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận được sự ủng hộ của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đề nghị bình tĩnh, cho rằng không có lý do gì ngăn chặn cuộc gặp giữa Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và một hiệp hội Thổ ở Pháp.

Trước tình hình căng thẳng đang leo thang trong quan hệ 2 nước, cùng ngày 12/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết những phát ngôn này rất mang tính kích động, nhưng đất nước họ sẽ làm mọi thứ nhằm "xoa dịu" vụ tranh cãi ngoại giao trên.

Đồng thời, ông Rutte cũng chia sẻ: “Chúng tôi có một tình huống chưa từng có tiền lệ với một đồng minh NATO, với nước mà chúng tôi có quan hệ lịch sử, thương mại mạnh. Nước này đang có hành động hoàn toàn vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng thì chúng tôi phải đáp trả, nhưng chúng tôi sẽ làm mọi điều trong quyền hạn của mình để xoa dịu căng thẳng".

Ngoài ra, thủ tướng Hà Lan cũng tuyên bố sẽ tìm cách nhưng “không phải bằng việc đưa ra lời xin lỗi”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ Nhĩ Kỳ muốn dạy cho Hà Lan một bài học về “ngoại giao quốc tế”