Trong bối cảnh mọi chú ý đang tập trung vào vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” với những hệ lụy về chính trị và kinh tế, câu hỏi được đặt ra là các thiên đường thuế có những đặc trưng gì, hoạt động ra sao?
Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng. Tuy vấn đề này không mới, nhưng với lượng thông tin khổng lồ bị rò rỉ (11,5 triệu hồ sơ khách hàng, 214 nghìn công ty bình phong), cùng với sự lan truyền thông tin rộng rãi nhanh chóng, sự kiện này có thể khiến cho hoạt động của các thiên đường thuế bị ảnh hưởng, và cũng có thể dẫn đến những hệ lụy về kinh tế chính trị thế giới. Cũng nên nhắc lại rằng Panama chỉ là một “chú lùn” khi so với các thiên đường thuế khác như Bermuda, quần đảo Cayman, hay Hong Kong. Theo một nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London năm 2014, lượng tài sản được gửi ở các thiên đường thuế khoảng 7,6 nghìn tỉ USD (riêng Thụy Sỹ là 2,46 nghìn tỷ USD). Cũng theo một cựu kinh tế gia hàng đầu của tập đoàn tư vấn McKinsey, trên thế giới, tổng lượng tài sản được gửi ở nước ngoài khoảng 21 nghìn tỷ USD. Với số lượng lớn tài sản được ẩn giấu ở nước ngoài, đối với nhiều quốc gia, đây là một khoản thất thu lớn về thuế.
Trong bối cảnh mọi chú ý đang tập trung vào vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” với những hệ lụy về chính trị và kinh tế, câu hỏi được đặt ra là các thiên đường thuế có những đặc trưng gì, hoạt động ra sao? Liên quan vấn đề này, chuyên gia Henri Đặng, cựu Thanh tra Thuế của Bộ Tài chính Pháp, hiện giảng dạy và tư vấn về thuế ở Paris, đã đưa ra một số phân tích như sau:
Thiên đường thuế là những quốc gia hay những lãnh thổ mà nơi đó không có thuế hoặc thuế rất thấp. Ngoài ra, đây còn là những nơi ổn định về chính trị, luật pháp, có thể bảo đảm bí mật của khách hàng. Tức là khi một khách hàng đến mở một tài khoản thì không cần tiết lộ thông tin cá nhân, và luật pháp cũng tạo điều kiện dễ dàng cho việc mở công ty. Tại đây cũng cần có sự hiện diện của ngân hàng, văn phòng luật và tư vấn về thuế. Theo định nghĩa trong luật pháp Pháp, thiên đường thuế là nơi có “ưu đãi về thuế”, nghĩa là những nơi mà các công ty hay cá nhân nộp thuế ít hơn 50% so với mức đóng ở Pháp.
Những đặc trưng nói trên của “các thiên đường thuế” cho thấy nó tồn tại một cách hợp pháp, tuy nhiên, ông Henri nhấn mạnh: “Nếu họ chuyển tiền, chuyển lợi nhuận của họ đến một nơi nào đó, là thiên đường thuế hay không là thiên đường thuế thì không có vấn đề gì, vì nó hợp pháp. Vấn đề là ở chỗ, những người đó chuyển tiền nhưng không đóng thuế trước. Nếu họ đã đóng thuế cho nơi họ làm ăn sinh sống rồi, thì họ muốn làm gì với số tiền còn lại cũng được. Cái không hợp pháp là việc không đóng thuế. Và có những người làm ăn không đàng hoàng, buôn bán ma túy, súng..., người ta muốn rửa tiền thì việc đó cũng là không hợp pháp”.
Chuyên gia về thuế này cho biết, những nước như Pháp, Đức, Mỹ từ lâu đã tìm những cách chống lại việc chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế. Ví dụ, như trong bộ luật thuế của Pháp có điều quy định: nếu anh muốn trả tiền cho một công ty ở một thiên đường thuế, thì anh phải chứng minh số tiền anh trả là đúng và hợp lý. Trách nhiệm chứng minh là của anh chứ không phải của cơ quan thuế. Ví dụ nữa là nếu một công ty ở Pháp nắm trên 50% số vốn của một công ty ở thiên đường thuế, thì công ty ở thiên đường thuế phải đóng thuế ở Pháp cho số lợi nhuận thu được. Các nước G-20 đã nhất trí rằng những trao đổi thông tin giữa các cơ quan thuế sẽ hoàn toàn tự động từ năm 2017 tới. Tức là công dân một nước mở tài khoản hay đầu tư ở một nước khác thì thông tin này sẽ được trao đổi.
Theo ông Henri, không chỉ các quốc gia được coi là thiên đường thuế được hưởng lợi khi thu hút được số lượng tài sản khổng lồ từ ngoài nước, mà thiên đường thuế này còn có lợi cho những cá nhân không muốn đóng thuế cho nơi mình sinh sống, làm ăn. Các công ty, tập đoàn cũng có lợi rất nhiều khi không muốn đóng thuế cho nơi mình đang làm ăn kinh doanh. Vì vậy, họ sẽ chuyển lợi nhuận, thu nhập đến những thiên đường thuế đó.