Thị trường BĐS 06 tháng đầu năm 2015 tại TP.HCM vẫn tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn so với 6 tháng cuối năm 2014, trên tất cả các phân khúc” - Đây là nhận định của lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP.HCM tại báo cáo vào cuối tuần.
Hàng loạt dự án cho người thu nhập thấp
Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho thấy, tại thị trường TP. HCM, số lượng giao dịch BĐS tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015 có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3-5%.
Theo đó, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) với giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững và là trụ cột của thị trường BĐS. Bởi nó đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng. Trong đó là những đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Điển hình là các dự án của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Đầu tư Nam Long, Công ty Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, Công ty Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia, Công ty Địa ốc Sài Gòn (Saigon Res), Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Công ty XD KD Nhà Gia Hòa, Công ty Nhà Hưng Ngân, Công ty Phước Thành, Công ty Khang Gia, Công ty Sacomreal, Công ty BĐS Sài Gòn Vina...;
Dự án nhà ở xã hội (số 35 Hồ Học Lãm) do cty Hoàng Quân hợp tác cùng Quỹ Phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị.
Bên cạnh đó, các dự án thuộc phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư cũng góp phần tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp, được sờ hữu nhà như: các dự án của Công ty Đức Khải, Công ty Trần Thái, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty TV TM DV Địa ốc Hoàng Quân... Ngoài ra, Công ty ĐT XD SX DV DL Thiên Phát đã bàn giao giai đoạn 1 khu chung cư cho thuê với nhiều tiện ích, quy mô 2.500 chỗ dành cho công nhân khu công nghiệp Linh Trung quận Thủ Đức…
Vẫn chiếm ưu thế khi thị trường tăng trưởng
Hiện nay, bên cạnh các dự án cho người thu nhập thấp tại khu đô thị đã và đang triển khai mở bán hàng loạt, thì các quận như Quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường nhà biệt thự, nhà liền kề; Quận 2, quận 4, quận 6, quận 12, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú, quận Bình Tân... là nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường căn hộ chung cư; Quận 9, quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn có nguồn cung lớn đất nền nhà.
Bên cạnh đó, các huyện thị thuộc các tỉnh giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phát triển mạnh các dự án BĐS, hình thành nên các đô thị vệ tinh của thành phố như các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều dịch vụ, tiện ích tại các địa phương như huyện Đức Hòa, huyện Cần Giuộc, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), thành phố Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đã góp phần tái cơ cấu dân cư và chia sẻ gánh nặng với thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng theo ông Lê hoàng Châu – Chủ tịch HH BĐS TP. HCM vẫn cho rằng, nguồn cung các dự án nhà ở và sản phẩm căn hộ với giá bán vừa túi tiền và dự án nhà ở xã hội vẫn đang là phân khúc chủ đạo, chiếm ưu thế cho toàn bộ thị trường tại TP. HCM và phân khúc này hiện nay vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu thật.
Chính sách và sửa đổi trong Luật BĐS của Chính phủ sẽ góp phần giúp nhiều đối tượng “cần”, có cơ hội được sở hữu nhà ở.
Chính vì nhu cầu cao, nên hiện nay, trên địa bàn thành phố cũng đã xuất hiện loại hình đầu tư kinh doanh BĐS của các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ phân các lô đất có diện tích nhỏ khoảng 40-50 m2 trong các khu vực quy hoạch dân cư, được cấp phép xây dựng nhà ở và được cấp sổ đỏ để bán cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp (Chưa tính các trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp).
“Dù thiếu cung, nhưng hiện tượng trên sẽ làm gia tăng tình trạng mở rộng đô thị theo kiểu "vết dầu loang", không phù hợp định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch và theo dự án, cần được Thành phố định hướng lại và có các biện pháp điều chỉnh kịp thời”. Ông Lê Hoàng Châu - Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nêu kiến nghị.
Có thể nói, để thị trường BĐS phục hồi mang tính bền vững, nguyên nhân chủ yếu từ nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp BĐS trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, phát triển hoạt động hợp tác, mua bán chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã giúp triển khai các dự án mới và tái khởi động lại các dự án "trùm mền", giải quyết một phần hàng tồn kho và nợ xấu.
Bên cạnh đó, thì hiệu quả công tác quản lý Nhà nước tạo điều kiện để nền kinh tế hồi phục và phát triển, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt. Đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS... điều này sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và cho các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Dẫn đến giao dịch tăng mạnh và tạo ra một thị trường BĐS minh bạch, tăng trường và bền vững. Đặc biệt, để nhiều đối tượng “cần” có cơ hội được sở hữu nhà, theo đúng chủ trương của Chính phủ.