Thị trường Bất động sản sôi động, tồn kho giảm

Thu Hằng| 15/09/2014 09:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thị trường bất động sản được nhận định sẽ dần sôi động trở lại, sau tháng 7 âm lịch. Tính thanh khoản được cải thiện, số giao dịch thành công tăng chứ không phải là hiện tượng thổi giá, đẩy BĐS vượt xa giá trị thực giai đoạn thị trường sốt nóng trước kia.

Thị trường Bất động sản sôi động, tồn kho giảm

BĐS đa dạng để khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm vừa túi tiền.

Thời điểm hiện tại, giá BĐS đã chững lại sau thời gian gần 2 năm trôi dốc. Trước đó, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giảm sâu tới 30%, đến những tháng đầu năm nay đã ổn định và không giảm tiếp. Cá biệt, trên thị trường đã xuất hiện một số dự án tăng giá nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm trước và đã có trường hợp “lướt sóng” hưởng chệnh lệch. Hiện nguồn cung căn hộ có diện tích khoảng 70m2 và giá bán 1,2 – 1,5 tỷ đồng đang thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giá BĐS đã ở mức thấp và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. Bởi vậy, lượng giao dịch thành công gia tăng. Tương tự, tại Hà Nội lượng giao dịch thành công cũng vượt con số 5.100, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2013, nhất là ở các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá trung bình, vị trí dự án thuận lợi giao thông và có hạ tầng đồng bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng giao dịch thành công cũng vượt con số 4.500, tăng trên 30% và tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (dưới 70m2) giá bán trung bình (từ 14-20 triệu đồng /m2). Cùng đó, đất nền có giá bán hợp lý hơn, chỉ dưới 2 tỷ đồng.

Theo con số thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8, tổng giá trị tồn kho BĐS trong cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 82.295 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 12/2013 giảm 12.163 tỷ đồng, xấp xỉ 13%. Trong đó lượng tồn kho là căn hộ chung cư khoảng 17.228 căn, tương đương 26.076 tỷ đồng; nhà thấp tầng khoảng 13.657 căn, tương đương 23.151 tỷ đồng; đất nền nhà ở gần 8,8 triệu m2, xấp xỉ 28.523 tỷ đồng; đất nền thương mại hơn 1,6 triệu m2, tương đương 4.545 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng BĐS cũng tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung. Chỉ tính đến hết quý 2, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đã đạt 282.212 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm 31/12/2013. Cùng đó, kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện. Tổng số tiền đã cam kết giải ngân tính đến cuối tháng 8 là hơn 7.064 tỷ đồng với dư nợ 3.074 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Vừa qua, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 về sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013. Theo đó, sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm khi vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại; bổ sung thêm một số đối tượng được vay vốn... ; đồng thời bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở. Động thái này giúp thêm nhiều người dân có nhu cầu thực sự tiếp cận được nguồn vốn vay để cải thiện chỗ ở.

Mặc dù vậy, thời điểm này cũng có khá nhiều người phải cân nhắc lựa chọn giữa việc gửi tiết kiệm hoặc mua nhà. Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm cũng là một trong những yếu tố giúp thị trường BĐS thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng có "của để dành".

Đang sống trong một căn hộ chung cư khá tiện nghi tại quận Hai Bà Trưng, gia đình chị Vũ Kim Hoa dành dụm được một khoản tiền hơn 1 tỷ đồng và quyết định gửi ngân hàng từ một năm nay chứ chưa nghĩ đến việc sẽ mua thêm một căn nhà mới. Gần một năm qua, tiền lãi từ khoản gửi tiết kiệm này cũng giúp cho chị có thêm một khoản chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, khi ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì gia đình chị Hoa đã chọn cách rút tiền để tìm mua BĐS. Với số tiền này, gia định chị Hoa đã tìm mua một căn hộ gần 70m2 để cho thuê với mức giá khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù khoản tiền từ việc cho thuê nhà có thể thấp hơn khoản lãi gửi tiết kiệm một chút nhưng đây đang là cách không chỉ mình gia đình chị Hoa mà khá nhiều người lựa chọn, nhất là có thông tin lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm và BĐS đang dần ấm lên.

Lý giải về việc không mua nhà sớm hơn bởi giá BĐS trong những tháng này đã nhỉnh hơn so với hồi đầu năm, nhiều khách hàng cho biết họ chỉ muốn mua căn hộ tại những dự án đã có hình hài rõ nét, thậm chí đang hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao nên sẵn sàng chấp nhận mức giá đội cao hơn giai đoạn mua nhà còn trên giấy. Hơn nữa, cũng với việc hạ lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng tung ra hàng loạt chính sách cho vay ưu đãi mua BĐS với mức lãi suất hợp lý, thậm chí là 0% trong năm đầu tiên. Bởi vậy, không chỉ khách hàng dư dả tiền bạc chọn cách thay đổi hình thức đầu tư tìm mua nhà vào thời điểm này mà cả những người có nhu cầu ở thực cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội.

Xét tổng thể giao dịch trên thị trường, các dự án có hạ tầng tốt và đồng bộ vẫn có sức hấp dẫn và tính thanh khoản tốt nhất. Điển hình như dự án Times City. Thế nhưng, thời điểm này, khi cả dự án đi vào vận hành đồng bộ với hạ tầng và nhiều tiện ích được nhận định là hấp dẫn nhất nhì Hà Nội thì các căn hộ ở đây đã về mức giá chào bán ban đầu, thậm chí những căn vị trí đẹp thì còn có lãi. Cùng đó, chủ đầu tư này cũng tiếp tục mở bán thêm mấy toà chung cư mới chuẩn bị bàn giao cuối năm nay và lượng giao dịch cũng rất khả quan. Điều này cũng minh chứng cho việc lựa chọn của khách hàng là hướng tới các khu đô thị tiện ích, chủ đầu tư uy tín và tiến độ đảm bảo.

Mặc dù chuyện chậm tiến độ nằm ngoài mong muốn của cả chủ đầu tư lẫn khách hàng nhưng cũng không thể buộc các “thượng đế” phải "nắm đằng lưỡi" nhất là khi thị trường đã mất một khoảng thời gian dài để lấy lại lòng tin với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Bất động sản sôi động, tồn kho giảm