Nhà thờ Đức Bà Paris và chuyện bây giờ mới kể của nhà báo Dương Kỳ Anh

Nhà báo Dương Kỳ Anh| 16/04/2019 22:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhớ lần đầu tiên đến Paris, nơi tôi tìm đến đầu tiên chính là Nhà thờ Đức Bà. Tôi còn may mắn được cầm lấy dây chuông nơi Quasimodo đã từng ngồi ôm đầu đau đớn khi được lệnh phải đi bắt cóc cô gái Esmeralda xinh đẹp mà chàng yêu như điên dại...

Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy làm chấn động toàn nước Pháp. Không chỉ nước Pháp, cả thế giới bàng hoàng và đau xót…

Nhiều tờ báo, nhiều hãng tin trên thế giới tiếp tục kể về lịch sử 850 năm của “Trái tim” Paris, cũng là một công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng thế giới.

Tôi cũng như nhiều người Việt Nam biết đến Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Pháp Victor Hugo, với nhân vật Quasimodo - người kéo chuông nhà thờ dị dạng, mà mọi người thường gọi là “thằng gù Quasimodo”. Quasimodo - người kéo chuông nhà thờ vừa điếc, vừa mù, vừa thọt này lại là người có tâm hồn cao thượng và đã đem lòng yêu cô gái xinh đẹp Esmeralda. Và bi kịch tình yêu cũng bắt đầu từ đây...

Nhà thờ Đức Bà Paris và chuyện bây giờ mới kể của nhà báo Dương Kỳ Anh

Tác giả chụp ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: NVCC

Nhớ lần đầu tiên đến Paris, nơi tôi tìm đến đầu tiên chính là Nhà thờ Đức Bà. Tôi tò mò trước hết là tháp chuông nhà thờ, nơi thằng gù Quasimodo hàng ngày vẫn kéo chuông. May thay, người hướng dẫn chúng tôi cũng chiều lòng khách nên đã dẫn chúng tôi đi đến gần như tất cả những nơi mà nhà văn Victor Hugo đã miêu tả trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình. Tôi còn may mắn được cầm lấy dây chuông nơi Quasimodo đã từng ngồi ôm đầu đau đớn khi được lệnh phải đi bắt cóc cô gái Esmeralda xinh đẹp mà chàng yêu như điên dại...

Trước khi đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris, tôi được nhiều người ở đây “nhắc nhỏ” rằng nếu muốn đến nước Pháp, đến Paris lần nữa, thì hãy ra phía sân sau nhà thờ, nơi có một chiếc nắp hình tròn như chiếc nón, đứng trên đó, nhắm mắt, quay một vòng thì về nhà sẽ thấy linh nghiệm.

Quá tò mò, tôi cũng làm theo. Đợi khi mọi người trong đoàn tham quan Nhà thờ Đức Bà Paris ngồi nghỉ ở phía ngoài sảnh lớn, tôi lặng lẽ ra phía sau và đứng trên chiếc nắp hình tròn giữa sân sau, tôi nhắm mắt, quay một vòng, rồi mở mắt, chắp tay hướng về tháp chuông nhà thờ và thầm đọc “Amen!”.

Tôi về Việt Nam, rồi cũng quên đi chuyện đó. Gần một năm sau, tôi được Trung ương Đoàn cử làm trưởng đoàn, dẫn đầu một đoàn cán bộ gồn một số bí thư tỉnh , thành đoàn đi thăm nước Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp.

Lần này đến Paris, chúng tôi đến thăm Nhà thờ Đức Bà, và một mình tôi lặng lẽ ra sân sau nhà thờ, đứng trên vòng tròn đó, quay một vòng và cũng như lần trước, tôi chắp tay hướng về phía tháp chuông, niệm “Amen!”.

Lần thứ ba tôi đến Paris trong một chuyến du lịch cùng vợ tôi. Chúng tôi đi tham quan một số nước Bắc Âu, qua Ý, rồi về Pháp.

Chúng tôi lại đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi kể cho vợ tôi nghe chuyện lần trước và đưa vợ ra sân sau nhà thờ để quay một vòng trên nắp hình tròn kỳ lạ đó. Nhưng vợ tôi do khi đi qua eo biển từ Nauy đến Thụy Điển bằng phà, sóng quá to nên say, đến nơi đứng trên chiếc nắp đó, vì đang chóng mặt nên không dám quay, chỉ mình tôi quay... Và, thật lạ lùng, sau đó một năm, lần thứ tư tôi lại được đến PaRis ...

Có thể, đó chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên mà thôi, không có gì là thần bí cả. Nhưng với tôi, những lần đến nước Pháp, đến Thủ đô Paris hoa lệ, đến chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà Paris đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp khó quên mà hôm nay tôi mới kể ...

Và hôm nay, bàng hoàng và đau xót trước việc Nhà thờ Đức Bà Paris “chìm trong biển lửa”, tôi thầm mong Nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Công giáo kiểu Gothic, được xây dựng từ năm 1163 với chiều cao 79m, nơi được mệnh danh “trái tim” của Paris với lịch sử 850 năm, sớm được khôi phục như ban đầu, đáp ứng được sự mong muốn của hàng triệu người trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ Đức Bà Paris và chuyện bây giờ mới kể của nhà báo Dương Kỳ Anh