Chiều 26/1, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Tổng kết Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2023. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; BHXH Việt Nam; BHXH Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân và một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Tuấn khẳng định, với trách nhiệm quản lý nhà nước về BHYT, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là BHXH Việt Nam trong việc ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật BHYT kịp thời, bảo đảm chất lượng và đáp ứng các yêu cầu trong tổ chức thực hiện chính sách. Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức các hội nghị phổ biến Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú.
Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật. Đến nay, toàn quốc có trên 93,3 triệu người tham gia, đạt bao phủ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), là chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2023 toàn quốc cũng có 174,8 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cũng chính trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, báo cáo tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp phần làm rõ những bất cập này. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự cân bằng, đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Trong khoảng một bộ phận người dân chưa tham gia BHYT, có cả đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Cùng với đó, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm tự nguyện đóng BHYT chưa thực sự bền vững.
Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Hầu hết các các bệnh viện đều quá tải, nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: Quy định về xã hội hoá, tự chủ tài chính chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng trang thiết bị y tế xã hội hóa tại các cơ sở y tế để trục lợi gây nên tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong những năm qua. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn diễn ra khá phức tạp và khó kiểm soát.
Đơn cử như việc chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết với tình trạng bệnh lý. Thống kê các chi phí không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; thống kê số lượng dịch vụ nhiều hơn số lượng thực tế chỉ định; tính sai giá thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế tiêu hao.
Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, người dân thiếu thông tin những quy định mới của Luật BHYT. Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành của địa phương chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT…
Một số ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, sau nhiều năm thực hiện Luật BHYT, chúng ta đã thực hiện khá tốt lộ trình BHYT toàn dân với bước tiến tương đối nhanh; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, cùng với đó quỹ BHYT dần được cân đối. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt Luật BHYT với chặng đường cuối của lộ trình BHYT toàn dân, cần triển khai hiệu quả hơn Luật BHYT đảm bảo 03 nguyên tắc: cam kết tài chính từ phía Chính phủ hỗ trợ nhóm đối tượng chính sách tham gia BHYT; sự đồng thuận của cộng đồng và phát huy kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự hài hòa mối quan hệ nhu cầu và lợi ích của cả ba bên: cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi và người hưởng thụ chính sách.
Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó cần huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT. Tổ chức kiểm tra liên ngành tại một số địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT thấp. Nghiên cứu, đề xuất bỏ quy định trẻ em dưới 6 tuổi đi khám, chữa bệnh chỉ cần xuất trình giấy khai sinh nhằm tăng cường trách nhiệm của gia đình và chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cấp thẻ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho các em. Xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo mắc các bệnh nan y, chi phí KCB lớn…
Đối với công tác thanh quyết toán, kiểm soát quỹ, cần tăng cường đổi mới phương thức thanh toán: bên cạnh việc tiếp tục nhân rộng thanh toán theo định suất, cần nghiên cứu áp dụng một số hình thức thanh toán khác đồng thời có tổng kết, đánh giá việc thực hiện phương thức thanh toán theo định suất. Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả quy trình giám định BHYT nhằm đảm bảo quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả cũng như đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân khi tham gia KCB BHYT.