Thanh Hóa: Khu Kinh tế Nghi Sơn rộng cửa đón các nhà đầu tư

Thanh Phương| 09/10/2021 12:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cải cách thủ tục, môi trường đầu tư theo hướng nhanh chóng, thuận lợi và đầu tư đồng bộ hạ tầng, giao thông, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KTNS) đang rộng cửa để đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Bước chuyển mình “thần tốc” của cả hệ thống, con người tới sự chuyên nghiệp để cùng doanh nghiệp đi tới thành công.

Mỗi khi có khó khăn, vướng mắc là chậm sự phát triển thì ngay lập tức lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa có mặt để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, từ đầu tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Nguyễn Tiến Hiệu và các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai tại KTNS.

Năm 2021, Ban quản lý, thực hiện 34 dự án đầu tư công. Trong đó, có 1 dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán trong tháng 7/2021 là Dự án đường Bắc Nam 2 - Khu KTNS đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Đông Tây 1; 4 dự án trọng điểm, gồm: Dự án đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn (hiện mặt bằng đã bàn giao cơ bản cho nhà thầu thi công); Dự án đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn (nhà thầu đã cơ bản thi công hoàn thiện nền, mặt đường 3,1 km đầu tuyến; đối với phần còn lại, nhà thầu đang thi công đến lớp đá dăm đen và triển khai thi công các hạng mục phụ trợ khác); Dự án các tuyến giao thông trục chính phía Tây - Khu KTNS (còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di chuyển hạ tầng điện, nước, viễn thông) và Dự án kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu KTNS giai đoạn 1.

a1tuyentruyen.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn trực tiếp giải quyết vướng mắc tại Khu KTNS

Về kết quả giải ngân vốn năm 2021, đến nay, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã giải ngân được 162 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch vốn được giao. Trong giai đoạn tới, sẽ ưu tiên đầu tư mới kéo dài đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KTNS với chiều dài khoảng 7,8 km, điểm đầu kết nối từ đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KTNS tại phường Xuân Lâm, điểm cuối kết nối vào đường Bắc Nam 1B; nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện đồng bộ các tuyến đường trong Khu KTNS bảo đảm theo quy hoạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, về cơ bản, những vướng mắc lớn về mặt bằng của các dự án trọng điểm đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công triển khai dự án. Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và một số nhà thầu thi công đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường. Các đơn vị tích cực trồng cây xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng trong khu kinh tế, phấn đấu xây dựng Khu KTNS trở thành khu kinh tế xanh, sạch.

a2tuyentruyen.jpg
Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ hút các nhà đầu tư tới Nghi Sơn

Điểm cộng của KTNS là có Cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải, hiện khu cảng Nam Nghi Sơn một số bến đã được đầu tư xây dựng xong hoặc đang xây dựng (4 bến tổng hợp Công ty Gang thép Nghi Sơn, bến số 6 của Công ty CP Xi măng Công Thanh, bến số 7 và 8 của Công ty Xi măng Long Sơn...) và các bến đang chuẩn bị đầu tư (bến số 9 và 10 của Công ty Xi măng Long Sơn và một số bến tại khu bến container số 2...). Các hạng mục quan tọng đang được gấp rút triển khai thực hiện. Tập đoàn CMA CGM của Pháp, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn.

Với hạ tầng giao thông phát triển sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung. Để phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng, chính quyền đã có kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Từng bước phát triển dịch vụ logistics Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao. Từng bước hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp...

a3tuyentruyen.jpg
Cảng nước sâu lớn nhất khu vực sẽ là điểm cộng để các nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn KTNS

Các nguồn lực sẽ được bố trí xây dựng các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối, liên thông với các cảng biển, trung tâm logistics... để phát triển vận tải đa phương thức. Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển Trung tâm logistics hạng I tại KTNS trong quá trình từ đầu tư xây dựng đến vận hành. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cảng biển nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch; nâng cao năng lực khai thác Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Quảng Châu. Xây dựng thương hiệu cho Cảng container quốc tế Nghi Sơn để thu hút được các chủ hàng ở tỉnh Thanh Hóa và trong vùng đưa hàng hóa về vận chuyển qua cảng biển Nghi Sơn. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải biển lớn, các doanh nghiệp logistics trong và nước ngoài có năng lực hoạt động xuất, nhập khẩu tại KKTNS.

Rà soát quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Đi đôi với phát triển và đầu tư hạ tầng cảng biển, Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Cảng Nghi Sơn với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 11 km theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông – vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Khu Kinh tế Nghi Sơn rộng cửa đón các nhà đầu tư