Để thu hút khách thường xuyên lui tới và bạo chi, các quán karaoke, bar, pub hay sử dụng các cô gái ăn mặc mát mẻ tận tình phục vụ. Nhóm ông, bà chủ thường xuyên đổi “tay vịn” cho khách có cảm giác mới lạ.
Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, thời gian qua, trên địa bàn, một số đối tượng xấu đã lợi dụng môi trường hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như karaoke, bar, pub … để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, đặc biệt nổi lên là hành vi mua bán người, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Vụ việc tại quán Karaoke G7 ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán người trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Đây là một vấn đề nhức nhối, đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Các đối tượng phạm tội thường sử dụng các hành vi như thông qua các trang mạng xã hội, website tuyển dụng để tuyển dụng các nhân viên nữ trẻ tuổi, đăng tin giả mạo về việc làm.
Chúng tạo ra các công ty hoặc tổ chức giả để tăng độ tin cậy, khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng, tìm cách giả vờ thân thiện, hứa hẹn việc làm hấp dẫn với mức lương cao, trong môi trường làm việc tốt đẹp để tiếp cận và lừa gạt nạn nhân.
Tiếp đến, chúng cung cấp các địa chỉ cho vay tiền hoặc hỗ trợ tài chính ban đầu, sau đó ép buộc nạn nhân làm việc để trả nợ với lãi suất cao, buộc nạn nhân bị phụ thuộc vào các đối tượng do bị kiểm soát tài chính hoặc bị cô lập khỏi gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, một số đối tượng còn sử dụng bạo lực hoặc đe dọa để ép buộc nạn nhân thực hiện theo ý muốn của chúng. Các nạn nhân bị đưa vào khu vực biệt lập, bị giám sát chặt chẽ và không được tự do đi lại.
Để thu hút khách trong việc kinh doanh vụ karaoke, bar, pub…, chủ cơ sở tuyển nhiều nhân viên nữ có độ tuổi từ 14 đến 30, ép buộc nhân viên mặc “hở hang, khêu gợi” để phục vụ khách hàng trong môi trường làm việc kín đáo, kiểm soát chặt chẽ của nhân viên...
Khi các “thượng đế” đã quá quen mặt với những cô gái tại các cơ sở này, chủ hoặc chính nhân viên sẽ đăng thông tin lên mạng xã hội, trong hội nhóm đề chuyển nhượng. Những ông, bà chủ mới sẽ đóng một số tiền không nhỏ để chuộc người này về phục vụ tại cơ sở của mình. Và vòng quay mới lại bắt đầu ngột ngạt hơn.
Các nạn nhân chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, miền núi có trình độ văn hóa thấp, khó khăn về tài chính, thiếu hiểu biết về các nguy cơ tiềm ẩn, thiếu kinh nghiệm sống, đang cần việc làm. Những yếu tố này khiến họ dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng phạm tội.
Để tránh được những cạm bẫy trên, khuyến cáo đến người dân, đặc biệt là phụ huynh và thanh thiếu niên đang trong độ tuổi tìm việc làm, phải tìm hiểu thật kỹ thông tin, xác minh rõ ràng thông tin tuyển dụng trước khi đồng ý nhận việc.
Không nên tin tưởng hoàn toàn vào các lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” và cảnh giác với những nơi yêu cầu làm việc trong môi trường kín đáo hoặc không minh bạch. Khuyến khích người dân không im lặng trước những hành vi, thủ đoạn, dấu hiệu bất thường của tội phạm và báo ngay cho cơ quan chức năng khi có dấu hiệu khả nghi.
Với người dân, nhất là các cô gái trẻ cần tỉnh táo trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các nhóm đối tượng mua bán người, sử dụng lao động ép buộc. Khi đã bị khống chế về tài chính, rơi vào mê cung do các đối tượng giăng sẵn thì rất khó dứt ra được.